Trả lời:
Bệnh trĩ là tình trạng giãn các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới, chiếm khoảng 35-55% trong tổng số các bệnh đại trực tràng. Trĩ không nguy hiểm nhưng gây phiền toái, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Bệnh gồm hai loại trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội nằm bên trong trực tràng, không thể nhìn thấy nên thường phát hiện ở giai đoạn muộn, khi có dấu hiệu đi đại tiện ra máu. Trĩ ngoại có thể nhìn và sờ, thường gây đau rát, khó chịu do vùng tổn thương tiếp xúc trực tiếp, cọ xát với các tác nhân bên ngoài như quần áo, ghế ngồi.
Bệnh trĩ xảy ra do nhiều yếu tố như uống ít nước, thường xuyên uống rượu bia, đồ ăn cay nóng, ít ăn chất xơ. Béo phì, phụ nữ mang thai, táo bón hay tiêu chảy mạn tính, ngồi nhiều, ít vận động, thói quen ngồi bồn cầu lâu... làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh chia thành nhiều cấp độ 1-4, dựa vào sự tiến triển, ảnh hưởng đến người bệnh. Bạn nên đi khám để biết chính xác triệu chứng hiện tại có phải bệnh trĩ không, mức độ nào. Bác sĩ cần đánh giá chính xác là trĩ nội hay trĩ ngoại, từ đó đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Trĩ gây đau, khó chịu cho người bệnh. Ảnh: Freepik
Hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy bệnh trĩ có thể tự khỏi mà không cần can thiệp, điều trị phù hợp. Nếu bệnh của bạn là trĩ nội mức độ 1 chỉ cần bổ sung nhiều chất xơ đúng cách kết hợp dùng thuốc sẽ khỏi. Trĩ nội độ 2, 3, 4 nên dùng thuốc để kiểm soát bệnh, giảm triệu chứng. Một số thuốc điều trị nội khoa như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc bôi, thuốc đặt hậu môn...
Trường hợp điều trị nội khoa không thành công, người bệnh được điều trị ngoại khoa. Các phương pháp như tiêm xơ, phẫu thuật longo, laser, thắt vòng cao su, chiếu tia hồng ngoại làm đông đặc niêm mạc hoặc đốt bằng dao điện tia cực tím.

Bác sĩ Hậu khám cho bệnh nhân. Ảnh Bệnh viện cung cấp
Với người bệnh trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp thường dùng thuốc không khỏi, phẫu thuật cắt trĩ thường áp dụng. Phẫu thuật được chỉ định cho trường hợp trĩ hỗn hợp (cả trĩ nội và trĩ ngoại) hoặc người bệnh có da thừa nhiều, trĩ biến chứng tắc mạch, sa nghẹt. Phương pháp này tạo ra vết thương vùng hậu môn, cần thời gian vài tuần để lành hẳn. Tuy nhiên, hiện nay có thể sử dụng dao siêu âm cắt trĩ để hạn chế phỏng mô và đau sau mổ.
Bệnh để càng lâu dễ chuyển sang giai đoạn nặng, biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, tắc mạch, trĩ tắc mạch, viêm loét, nhiễm trùng, ung thư đại trực tràng... Lúc này, điều trị khó khăn, tốn kém và ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của người bệnh.
Bạn nên đến cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa để khám và có hướng xử lý, tránh để bệnh tiến triển nặng. Thay đổi trong chế độ ăn uống và sinh hoạt, nghỉ ngơi, luyện tập thể dục, hạn chế các thói quen xấu hỗ trợ điều trị và tránh bệnh nghiêm trọng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hậu
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |