Trả lời:
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp kèm tắc nghẽn luồng khí không hồi phục ở phổi. Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng viêm mạn tính như ho, khạc đờm, khó thở, có thể kèm theo những đợt cấp do tình trạng viêm của đường dẫn khí (phế quản hoặc tiểu phế quản) hay phế nang (khí phế thũng) diễn tiến mạn tính và nặng dần.
Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh COPD đến 90%. Hút thuốc lá thụ động cũng tăng nguy cơ phát triển bệnh này. Ô nhiễm không khí, khói bụi chất đốt sinh hoạt, khí thải nhà máy, hóa chất dệt may, sản xuất xi măng, xây dựng công trình... cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.
Người thường bị nhiễm trùng đường hô hấp làm suy giảm chức năng phổi hoặc người từng mắc các bệnh hô hấp lúc nhỏ khiến phổi trưởng thành không tốt dễ mắc bệnh COPD. Một số người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do thiếu hụt men alpha 1-antitrypsin bẩm sinh hoặc không tìm ra nguyên nhân.
Người bệnh COPD có 4 mức độ tắc nghẽn đường dẫn khí. Mức độ tắc nghẽn tỷ lệ thuận với mức độ nguy hiểm của bệnh, thậm chí có thể khiến bệnh nhân tử vong do suy hô hấp, suy tim, nhiễm trùng, tăng huyết áp...
Bác sĩ chẩn đoán COPD được dựa trên kết quả khám lâm sàng. Bác sĩ có thể chỉ định đo hô hấp ký, xét nghiệm máu, xét nghiệm khí máu động mạch, xét nghiệm đờm, siêu âm tim, chụp X-quang ngực thẳng hoặc CT phổi 768 lát cắt hoặc 1975 lát cắt... Trong đó, đo hô hấp ký giúp chẩn đoán xác định bệnh, mức độ tắc nghẽn đường dẫn khí.
Người bệnh có thể cần đánh giá ảnh hưởng của COPD đến cơ quan quan trọng khác như tim vì bệnh ở giai đoạn cuối có thể gây ra tình trạng tâm phế mạn (suy tim do bệnh phổi mạn tính).
Tùy mỗi người bệnh, giai đoạn mắc, mức độ nặng của triệu chứng, cơ địa và bệnh nền kèm theo, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Mục tiêu điều trị là giảm triệu chứng, cải thiện chức năng hô hấp, đồng thời điều trị các bệnh nền đồng mắc, dự phòng biến chứng nguy hiểm và dự phòng yếu tố thúc đẩy vào đợt cấp cho bệnh nhân.
Không hút thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc lá là biện pháp điều trị tiên quyết của bệnh COPD. Bác sĩ chỉ định cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc có tác dụng làm giãn phế quản, kháng viêm, long đờm... Tùy mức độ khó thở hoặc suy hô hấp của người bệnh, bác sĩ sử dụng liệu pháp oxy, tập phục hồi chức năng phổi phù hợp. Trường hợp người bệnh COPD nặng có thể phẫu thuật cắt bóng khí, giảm thể tích phổi, giảm thể tích van nội phế quản hoặc ghép phổi.
Chồng bạn mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên đến cơ sở y tế có khoa hô hấp hoặc nội tổng hợp để khám và điều trị kịp thời, tránh để lâu khiến tình trạng dễ tăng nặng, xảy ra đợt cấp COPD hoặc biến chứng nguy hiểm khác.
Người bệnh COPD thường bị suy giảm miễn dịch, dễ bị đồng mắc các bệnh truyền nhiễm. Do đó, chồng bạn nên tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa, Covid-19, viêm phổi, RSV, Zona...; duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục vừa sức, chế độ dinh dưỡng khoa học, không sử dụng rượu bia và chất kích thích. Các biện pháp góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ bệnh COPD tăng nặng, biến chứng.
TS.BS Đặng Thị Mai Khuê
Chuyên khoa Hô hấp
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |