ThS.BS Nguyễn Trọng Quỳnh, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết tình trạng của bé Gia Bảo 7 tuổi (Quảng Bình) nhập viện ngày 25/10, mắc bệnh lý khá hiếm gặp ở thiếu niên với nhiều cách gọi khác nhau như: tiêu chỏm xương đùi thiếu niên, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi ở trẻ em, hoại tử vô mạch chỏm xương đùi ở trẻ em... Bệnh lý này thường nhầm lẫn ở giai đoạn đầu với bệnh lý viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua (thường khỏi hoàn toàn sau 10 ngày đến 2 tuần). Tiên lượng bệnh tốt hơn khi trẻ mắc dưới 8 tuổi, tiên lượng xấu nếu trẻ mắc trên 8 tuổi.
Cách đây một năm, bé Gia Bảo có biểu hiện đau khớp háng, đi tập tễnh, triệu chứng lúc xuất hiện, lúc biến mất. Mẹ của bé, chị Hương,chủ quan nghĩ con hiếu động chạy nhảy gây đau. Gần đây, con kêu đau khớp háng nhiều, thường xuyên hơn, chị đã đưa tới thăm khám tại một số cơ sở y tế gần nhà nhưng không phát hiện bệnh, hoặc không có giải pháp hiệu quả. Gia đình chị lặn lội đi 500 km từ Quảng Bình ra Hà Nội đưa con tới BVĐK Tâm Anh Hà Nội khám lại.
Hình ảnh chụp X-quang cho thấy chỏm xương đùi của bệnh nhân phân mảnh và có xu hướng trượt ra ngoài, chỏm xương đùi không có cấu trúc tròn đều như ban đầu. Xương đùi có nguy cơ bị biến dạng, dẫn đến hư khớp háng sớm nếu không được điều trị đúng cách. Mục tiêu điều trị là chỏm xương đùi tái tạo được cấu trúc tròn đều ở giai đoạn khỏi bệnh, giúp bệnh nhân trở lại các vận động như bình thường, tránh hư khớp háng sớm.
Giải đáp thêm về chỉ định phẫu thuật mang lại tỷ lệ thành công cao, bác sĩ Quỳnh cho biết: "Để đưa ra chỉ định đúng, cần phải kết hợp nhiều yếu tố như tuổi bệnh nhân, giai đoạn và phân loại bệnh dựa vào các chỉ số trên X-quang. Ngay cả trong trường hợp phẫu thuật cũng có rất nhiều phương pháp, cần phải đánh giá rất toàn diện để lựa chọn cho bệnh nhân".
Với trường hợp bé Bảo, bệnh ở giai đoạn 2, chỏm xương đùi phân mảnh, xẹp và có xu hướng trượt ra phía ngoài, tuy nhiên biên độ khớp háng khá tốt, chỏm xương đùi có thể hướng vào trong qua các đánh giá X-quang. Vì vậy, sửa góc cổ xương đùi giúp chỏm xương đùi nằm hoàn toàn trong ổ cối là điều kiện quan trọng để đến giai đoạn tái cấu trúc chỏm tròn đều, cho kết quả tốt.
Ngày 26/10, ca phẫu thuật được thực hiện giúp đưa xương chỏm về đúng vị trí. Nhờ trợ giúp của màn tăng sáng (C-arm) trong phòng mổ, bác sĩ thực hiện cắt đầu trên xương đùi sửa lại góc cổ xương đùi, giúp chỏm xương đùi vào nằm hoàn toàn trong ổ đúng như dự kiến. Ca phẫu thuật được thực hiện trong vòng 40 phút, có kết quả thành công như mong đợi.
Ths.BS Hoàng Văn Ban, bác sĩ trực tiếp theo dõi ca bệnh này cho biết, hiện tại bé Bảo đã xuất viện 2 ngày sau phẫu thuật, tình trang đau đã thuyên giảm nhiều. Sau phẫu thuật trẻ có thể tập vận động tại giường, cho phép đi lại sau 4 tuần; sau 8 tuần trẻ có thể chạy nhảy sinh hoạt như ban đầu.
Về bệnh lý hiếm tiêu chỏm xương đùi thiếu niên, bác sĩ Ban cho biết thêm, bệnh thường xuất hiện ở trẻ 4-10 tuổi, trẻ kêu đau khớp háng, triệu chứng đi khập khiễng (nhất là khi trẻ vận động nhiều). Cơn đau xuất hiện 1-2 tuần và có thể biến mất, sau một thời gian sẽ tái phát. Sau thời gian này trẻ thường kêu đau khớp háng nhiều hơn, tần suất nhanh hơn, đến giai đoạn này cha mẹ thường mới đưa trẻ tới bệnh viện.
"Nhiều cha mẹ chủ quan khi thấy con than phiền đau khớp háng hoặc có thể nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như viêm khớp tuổi thanh thiếu niên mà bỏ qua việc phát hiện bệnh trong thời gian có thể can thiệp", bác sĩ Ban nói.
Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý, bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa trên thăm khám lâm sàng và kết quả hình ảnh X-quang hoặc MRI. Hình ảnh điển hình của bệnh trên phim chụp là dẹt chỏm xương đùi, chỏm xương đùi có thể biến dạng nhiều hay ít phụ thuộc vào giai đoạn bệnh.
Trước đây, khi phát hiện ra bệnh bác sĩ thường điều trị bảo tồn, bó bột bất động chân ở tư thế ếch 6-8 tuần. Sau đó chụp X-quang lại, nếu chưa ổn thì trẻ phải nằm bất động đến 6 tháng. Tuy nhiên, với trẻ đang tuổi lớn, phải bó bột bất động quá lâu có thể khiến cơ chế vận động chân không ổn, cơ xương khớp phát triển không tốt, chiều cao và thể lực của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, lựa chọn phương pháp điều trị đúng với giai đoạn bệnh, phân loại của bệnh, mới cho kết quả tối ưu.
Bệnh lý tiêu chỏm xương đùi thiếu niên thay đổi qua các giai đoạn và thường kéo dài từ một đến 2 năm, nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế, gia đình và nhà trường. Nếu bệnh không được phát hiện sớm sẽ khiến trẻ đau khớp háng tăng theo thời gian. Chỏm xương đùi khi không hồi phục được sẽ hoại tử hoàn toàn, bệnh nhân đi lại tập tễnh khó khăn. Đến độ tuổi 18-20 bệnh nhân sẽ phải thay khớp háng. Trong khi đó, khớp háng nhân tạo chỉ có thời gian sử dụng nhất định. Việc phải thay khớp nhiều lần sẽ khiến cho người bệnh không chỉ tốn kém về chi phí mà còn ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống.
Vì vậy, bác sĩ Ban khuyến cáo việc phát hiện sớm và không bỏ qua triệu chứng ở trẻ là vô cùng quan trọng: "Khi thấy con kêu đau khớp háng cần đưa con tới các cơ sở y tế uy tín để xác định bệnh sớm. Cha mẹ không nên chủ quan, dễ bỏ qua "thời điểm vàng" có thể can thiệp giúp trẻ khỏi bệnh hoàn toàn".
Thanh Ba