Việc thay khớp háng nhân tạo giúp người bệnh giảm đau do thoái hóa khớp, khôi phục khả năng đi lại, vận động. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý cụ thể, người bệnh có thể được chỉ định thay khớp háng nhân tạo toàn phần hoặc bán phần. Để hiểu rõ hơn về kỹ thuật thay khớp háng, ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh giải đáp những câu hỏi thường gặp:
Khi nào cần thay khớp háng nhân tạo?
Thay khớp háng được chỉ định trong trường hợp người bệnh gãy cổ xương đùi, hoại tử chỏm xương đùi, thoái hóa khớp háng gây biến dạng chỏm xương đùi, biến dạng ổ cối xương đùi...
Đáng lưu ý là không chỉ người già mà người trẻ tuổi cũng có nguy cơ phải thay khớp háng nếu mắc phải tình trạng hoại tử chỏm xương đùi và loạn sản xương đùi.
Khớp háng nào là tốt nhất với người bệnh?
Không phải giá tiền đắt nhất mà một khớp háng nhân tạo được xem tốt nhất khi phù hợp với cấu trúc xương háng đùi và tình trạng bệnh lý nền, nhu cầu đi lại của người bệnh... Sau khi thay khớp háng, người bệnh có thể thực hiện các hoạt động đi lại, chảy nhảy... sớm nhất có thể, cấu trúc giải phẫu của khớp háng khôi phục gần giống tự nhiên nhất.
Khớp háng nhân tạo dùng được bao lâu?
Một nghiên cứu vào năm 2019, được thực hiện trên 150.000 người bệnh, cho biết trên 60% trường hợp khớp háng nhân tạo đã được thay có tuổi thọ lên đến hơn 25 năm. Ngoài ra, bác sĩ Học nhận định, với sự phát triển của khoa học và y tế ngày nay, tuổi thọ của khớp háng sẽ ngày càng được nâng cao.
Những trường hợp phải thay lại khớp háng lần hai thường là do sự thay đổi cấu trúc xương của người bệnh. Khi tình trạng loãng xương ngày càng phát triển, mật độ xương giảm xuống, xương đùi không còn khả năng giữ vững khớp háng nhân tạo ở đúng vị trí. Khi đó, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật một lần nữa để khắc phục tình trạng này.
Thay khớp háng nhân tạo có biến chứng không?
Không chỉ thay khớp háng mà bất kỳ ca phẫu thuật nào cũng đều có nguy cơ biến chứng, trong đó, nghiêm trọng nhất là tử vong. Theo Y văn thế giới, tỷ lệ tử vong trong và sau phẫu thuật thay khớp háng là 0,68%. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây tử vong không phải do thay khớp háng mà là do các bệnh lý nền đi kèm như cao huyết áp, tiểu đường, nhiễm trùng đường tiểu... Do đó, theo bác sĩ Học, trước khi phẫu thuật, người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi cần được xét nghiệm kiểm tra tiền phẫu cẩn thận, ổn định tình trạng sức khỏe nội khoa nền bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hô hấp, gây mê hồi sức...
Một trong những biến chứng thay khớp háng nhân tạo nghiêm trọng nhất là trật khớp háng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến chứng này là do phương pháp phẫu thuật. Ở phương pháp truyền thống, các bác sĩ mở toàn bộ bao khớp phía sau và nhóm cơ xoay ngoài, thay khớp nhân tạo vào, sau đó khâu bao khớp và nhóm cơ lại, đóng vết mổ. Lúc này, dù phẫu thuật thành công nhưng nhóm cơ sau không thể phục hồi hoàn toàn chức năng như ban đầu. Do đó, dễ dẫn đến tình trạng trật khớp háng ra sau. Trật khớp háng đã xảy ra một lần thì có nguy cơ tái phát rất cao, trong một số trường hợp, người bệnh cần phải phẫu thuật điều chỉnh lại vị trí khớp nhân tạo.
Trong khi đó, với các phương pháp phẫu thuật tiên tiến hơn, chẳng hạn như SuperPath tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, các bác sĩ chỉ rạch mở một đường nhỏ có kích thước bằng ⅓ đường rạch cổ điển, sau đó thay khớp háng nhân tạo vào mà không làm tổn thương bất kỳ nhóm cơ nào. Điều này cho phép người bệnh sau mổ có thể ngồi xổm, bắt chéo chân, chạy nhảy nhẹ nhàng...
Theo bác sĩ Học, với sự phát triển của y học Việt Nam ngày nay, thay khớp háng nhân tạo không còn là một kỹ thuật quá khó. Điều quan trọng là người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện phẫu thuật.
Phi Hồng