Người nhà cho biết sau khi uống thuốc cảm, Trang đỡ hơn, đi học trở lại. Ngày thứ ba đến lớp, em lả người, muốn ói nhưng ói không được, sau đó lên cơn co giật, vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu.
Ngày 24/1, ThS.BS.CKII Mai Hoàng Vũ, khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết Trang co giật nặng hơn khi đến viện, được điều trị chống động kinh, giảm áp lực nội sọ, giảm huyết áp và theo dõi tri giác.
Kết quả chụp CT não và chụp mạch máu não số hóa xóa nền (DSA) cho thấy một khối xuất huyết do dị dạng mạch máu não bẩm sinh bị vỡ. Khối dị dạng kích thước 0,5 cm, bên trong còn kèm theo túi phình 0,3 cm có nguy cơ vỡ xuất huyết lần hai.
Theo bác sĩ Vũ, có ba phương pháp điều trị dị dạng mạch máu gồm phẫu thuật, can thiệp nội mạch và bắn tia gamma knife. Khối dị dạng mạch máu của Trang đã vỡ gây xuất huyết nên phương pháp điều trị ưu tiên là phẫu thuật nhằm loại bỏ đồng thời khối máu tụ và khối dị dạng. Hai phương pháp còn lại chỉ giải quyết khối dị dạng chứ không lấy được khối máu tụ.
"Đây là ca khó vì khối dị dạng nhỏ, phẫu thuật viên phải xác định đúng động mạch nuôi khối dị dạng và tĩnh mạch dẫn lưu", bác sĩ Vũ nói, thêm rằng trong quá trình mổ, nếu bác sĩ không cắt được động mạch nuôi sẽ không giải quyết được khối dị dạng. Ngược lại, nếu cắt được tĩnh mạch dẫn lưu mà chưa cắt được động mạch nuôi thì nguy cơ xuất huyết và tái xuất huyết não vẫn xảy ra.
Bác sĩ dùng hệ thống định vị thần kinh Neuro-Navigation ứng dụng trí tuệ nhân tạo và hệ thống kính vi phẫu có chức năng chụp huỳnh quang 3D thế hệ mới để thấy rõ toàn diện tổ chức não. Bác sĩ đánh giá được khối máu tụ, khối dị dạng mạch máu trong tương quan với các bó dẫn truyền thần kinh, các mô não lành. Nhờ đó, kíp mổ chọn vị trí mở vỏ não phù hợp, đi thẳng vào não khoảng 5 cm, tiếp cận và loại bỏ khối máu tụ, cắt bỏ hoàn toàn khối dị dạng và túi giả phình.
Sau mổ hai ngày, bệnh nhân hồi phục, đi lại, ăn uống, nói chuyện được, dự kiến xuất viện trong sau một tuần.
Dị dạng mạch máu não ở vùng thái dương có nhiều mạch máu lớn, vùng não chịu chức năng cảm giác, thính giác, thị giác... dễ gây tổn thương chức năng cho bệnh nhân sau mổ. Bác sĩ Vũ khuyến cáo người có các biểu hiện nghi ngờ như đau đầu, choáng váng, nôn ói, nhìn mờ nên đi khám sớm để can thiệp kịp thời.
Đột quỵ có thể xảy ra ở trẻ em nhưng tỷ lệ thấp hơn người lớn. 80- 85% trường hợp đột quỵ ở trẻ em là do dị dạng mạch máu não bị vỡ. Trẻ có nguy cơ tử vong cao, chiếm khoảng 25-40%. Khoảng 40-50% trường để lại di chứng như yếu liệt, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Người bệnh đột quỵ nói chung cần được cấp cứu sớm trong giờ "vàng" (3-4,5 giờ hoặc hơn với đột quỵ nhồi máu não, 8 giờ hoặc hơn với đột quỵ xuất huyết não), để nâng cao hiệu quả can thiệp.
Bình An
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |