Trả lời:
Đột quỵ thường để lại những di chứng lâu dài như tê yếu, khó đi lại, vận động, khó nói. Ngoài điều trị cấp (can thiệp cấp cứu lúc đột quỵ), người bệnh cần tập phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Các phương pháp phục hồi chức năng truyền thống bao gồm xoa bóp, vật lý trị liệu, tập luyện... đã được áp dụng rất nhiều nơi.
Hiện, kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ là phương pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ mới, hiện đại, ít bệnh viện triển khai.
Bản chất của kích thích từ trường xuyên sọ là dựa vào các sóng từ trường lặp lại nhiều lần, đi xuyên qua sọ để tác động vào các vùng não cần can thiệp. Mục đích tăng cường các tín hiệu thần kinh, phục hồi tổn thương trên não, giúp phục hồi chức năng của các cơ quan liên quan.
Mẹ bạn bị tê yếu, khó vận động sau đột quỵ có thể sử dụng phương pháp kích thích từ trường xuyên sọ. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao với bệnh nhân bị đột quỵ trong thời gian 6 tháng trở lại.
Kích thích từ trường xuyên sọ có thể cải thiện khả năng vận động, sự khéo léo của đôi tay, giúp người bệnh đi lại và giữ thăng bằng dễ dàng hơn, gia tăng trương lực cơ.
Chứng khó nuốt phổ biến ở bệnh nhân sau đột quỵ, làm suy yếu quá trình phục hồi. Phương pháp này còn nhắm vào các cơ tham gia nuốt, góp phần điều trị triệu chứng.
Giảm khả năng ngôn ngữ cũng là hậu quả thường gặp do đột quỵ, ảnh hưởng đến khoảng 30% số người sống sót sau đột quỵ và hạn chế đáng kể quá trình phục hồi chức năng. Kích thích từ trường xuyên sọ hỗ trợ phục hồi, cải thiện khả năng ngôn ngữ, khó nuốt; giúp kiểm soát rối loạn trầm cảm, bao gồm cả nhận thức, tâm lý và sa sút trí tuệ.
Bạn có thể đưa mẹ đến bệnh viện khám và thực hiện phương pháp này. Liệu trình thực hiện kích thích từ trường xuyên sọ khoảng 10-20 lần, mỗi lần 20-30 phút. Tùy trường hợp, bác sĩ có thể chọn chương trình phù hợp khi khám trực tiếp cho người bệnh.
Ngoài phục hồi sau đột quỵ, hiện Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ứng dụng kỹ thuật này trong hỗ trợ điều trị, phục hồi nhiều bệnh lý thần kinh khác nhau như đau đầu, đau nửa đầu, mất ngủ, co giật, trầm cảm, parkinson, các bệnh rối loạn vận động.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức
Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |