Covid-19 đã làm cho nhiều người mất việc và những người còn lại phải làm việc từ xa trong khoảng nửa năm. Tôi còn nhớ ngày 1/6, công ty chúng tôi yêu cầu toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà. Rồi từ từ chuyển qua bình thường mới, nhiều công ty bắt đầu cho nhân viên quay lại văn phòng theo lịch luân phiên.
Điều này khiến tôi nghĩ tới viễn cảnh đầu tiên là một tuần có ba ngày nghỉ. Chúng ta hiện nay vẫn phải làm việc 40 giờ một tuần, nhưng vì tiết kiệm thời gian đi lại, ra ngoài ăn trưa, tán gẫu, nên ta có thể làm việc bốn ngày, mỗi ngày 10 tiếng và nghỉ thêm thứ tư hàng tuần. Tôi cũng mơ đến viễn cảnh một người có thể làm việc cho hai công ty khác nhau, mỗi nơi chỉ làm 20 giờ một tuần bởi môi trường làm việc mới có thể chuyên biệt và tạo áp lực cho nhân viên, năng suất tăng và thời gian ngắn lại để họ ở nhà đỡ buồn và tự giác hơn.
Điểm lợi khác của làm việc từ xa, đó là người lao động sẽ tự chủ hơn về công việc, ít lo lắng hơn về thu nhập và được làm nhiều nghề mình thích. Họ cũng sẽ thoải mái hơn khi phải phản ánh các tiêu cực hay khách quan trong công ty như sếp tồi, môi trường thiếu chuyên nghiệp... Họ sẽ không lo bị mất việc là mất hết thu nhập bởi vì còn công việc thứ hai. Ngoài ra, với kinh nghiệm làm hai việc một lúc thì kỹ năng, chuyên môn hay các mối quan hệ có thể bổ sung cho nhau rất nhiều.
Dẫu sao thì đó cũng chỉ là những mơ mộng của tôi. Còn giáo dục Việt Nam thời đại 4.0 thì sao, chuyện học trực tuyến từ xa sẽ thế nào? Trong giấc mơ của tôi về giáo dục, sách giáo khoa nên hạn chế tối đa, chỉ phục vụ học sinh vùng sâu vùng xa. Ở các tỉnh, thành phố lớn, học sinh nên vào một hệ thống mạng giáo dục, mà ở đó các thầy cô xuất sắc nhất cả nước ở mỗi bộ môn, mỗi cấp lớp học sẽ biên soạn, tổng hợp các video bài giảng sinh động và dễ hiểu nhất cho học sinh. Các em sẽ học qua video và gửi câu hỏi, giáo viên chỉ đóng vai trò người trả lời câu hỏi trực tuyến và định hướng tư duy.
>> Học online - mạng ảo nhưng giá trị thật
Quá trình học online hiện nay đã chứng minh rằng học sinh Việt hoàn toàn có thể học từ xa, nhưng ở đây tôi không nói là các em phải ở nhà. Việc học online ở đây là việc truy cập vào các nguồn bài giảng, kiến thức tốt nhất, chuẩn nhất và đồng bộ nhất trên cả nước. Thay vì lãng phí thời gian, công sức của từng giáo viên đi biên soạn ra những bài giảng na ná nhau, mà chất lượng thì chẳng ai kiểm chứng được. Một khung bài học cho cả khóa học, cấp học, sẽ được cung cấp cho học sinh và các em sẽ tự học theo năng lực của mình. Nhờ đó, học sinh sẽ có thể chủ động ưu tiên học các môn mình thích trước, những môn bắt buộc khác học sau. Điều này gần giống như cách các sinh viên Đại học đang học tín chỉ.
Giáo viên từ đó cũng tùy biến theo mỗi học sinh để giúp các em học sao cho hiệu quả. Họ sẽ có thời gian làm việc này bởi không còn lo soạn giáo án nữa, và cũng chẳng phải giảng bài. Ngược lại, họ còn có thể thông qua quá trình tương tác với các vấn đề, các câu hỏi của học sinh để đóng góp ngược lại cho hệ thống bài giảng chuẩn quốc gia. Đây gọi là "feeback loop" - khái niệm quan trọng nhất trong quá trình cải tiến bất cứ thứ gì.
Theo tôi, giáo viên nên là những nhà quản lý dự án, giúp học sinh trong lớp mình làm các dự án thực tế phù hợp với môn học. Các trường quốc tế ở Việt Nam đã và đang áp dụng cách học này. Ưu điểm tuyệt vời nhất của học theo dự án chính là cho học sinh làm việc theo nhóm, thể hiện khả năng cộng tác và lãnh đạo. Bên cạnh đó, do kết quả của dự án luôn mở nên học sinh được thỏa sức sáng tạo và tìm tòi. Các em sẽ được coi là hoàn tất môn học theo nhiều cách, có môn phải thi (các môn khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa), nhưng có môn sẽ căn cứ vào kết quả dự án, bài luận...
Từ mẫu giáo, các bé đã có thể làm dự án rồi, nên phụ huynh cũng không phải lo lắng nó là thứ gì đó quá hoành tráng, phải có những kết quả vĩ đại. Dự án chọ học sinh mẫu giáo có thể chỉ là thu thập các loại hoa và bỏ vào một cái hộp. Con gái tôi từng học Vật lý với một dự án rất buồn cười là làm một cái ghim giấy (kẹp tài liệu) bằng kim loại nổi trên mặt nước và chụp hình lại. Sau này, khi con 7 tuổi, đã có thể giải thích vì sao kim loại nổi trên nước hay một con tàu dù rất nặng vẫn nổi được trên biển có sóng to. Với khả năng áp dụng hiểu biết cơ bản của mình để giải thích hay thực hành trong thực tế, rõ ràng các em đã hoàn thành môn học xuất sắc. Học sinh giỏi hay "có năng khiếu", cũng nên căn cứ trên dự án.
>> Học sinh Việt ám ảnh phải giỏi toàn diện
Ngày nay, ở các cty không có chuyện siêu sao cá nhân. Mọi thứ đều là teamwork, dự án nhiều người. Mọt sách, đeo kính cận, suy nghĩ cao xa, khác người, giải mấy bài toán cỡ NASA phóng tàu vũ trụ, không phải là hình mẫu đào tạo của nền giáo dục hiện đại. Giáo viên giỏi cũng nên căn cứ vào các dự án hay, khả năng áp dụng thực tế cao của chúng.
Các kế hoạch giảng dạy, loại dự án nên được niêm yết trên website của trường cùng với thành tích và kết quả của các lớp đi trước để phụ huynh tham khảo. Trường nào hay, nội dung dự án hấp dẫn, chi phí làm dự án hợp với túi tiền của phụ huynh thì tự khắc họ sẽ gửi con vào. Trường học, do vậy, mà có "khách hàng" và tự quản lý tài chính. Giáo viên cùng một bộ môn, cùng một cấp lớp học, nhưng cũng tùy uy tín và chất lượng mà nhận lương khác nhau, y như một công ty, doanh nghiệp vậy. Trường nào không trả nổi lương thì giáo viên có thể xin qua trường khác, không cần phải dạy thêm.
Quay lại chuyện phổ cập giáo dục thì sao? Tôi cho rằng, chỉ cần dựa vào hệ thống "mạng giáo dục" của quốc gia với những video đào tạo và một cơ số các giáo viên trẻ, mới tốt nghiệp thì đã đủ để giúp học sinh hoàn cảnh khó khăn đạt mức phổ cập văn hóa. Các em nếu khó khăn quá cũng không cần đến trường. Nhà nước có thể cấp phép cho một số giáo viên mở các lớp học tại địa phương để dạy các em này.
Chất lượng và số lượng giáo viên thế nào? Chuyện này tôi nghĩ nên bớt về số và tăng về chất. Trường học không cần có quá nhiều giáo viên nói cùng một bài giảng của cùng một môn học, nhưng vì năng lực truyền đạt, phong cách "biểu diễn" và cả khả năng quản lý lớp học khác nhau, mà kết quả giảng dạy không giống nhau. Các giáo án, cách trình bày, bài thi nên chuẩn chỉnh trên mạng giáo dục. Bởi thực tế chúng ta dựa trên các dự án và các kết quả mở để đánh giá học sinh.
Nếu chúng ta không cần những điểm 10, cũng không còn học sinh giỏi toàn diện thì chẳng em nào nghĩ tới chuyện học thêm luyện đề, gian lận thi cử. Học thêm lúc này sẽ là mơ ước của học sinh. Các em sẽ tìm tới các giáo viên giỏi thực sự, có những dự án, ý tưởng hay, thực tiễn để học và làm thêm các dự án mà chúng có đam mê. Lớp học thêm sẽ không phải là cái bảng và những chiếc bàn lúc nhúc người. Nó sẽ là những "xưởng" dự án nhỏ, nơi mà thầy và trò đam mê cùng nhau lao vào làm việc.
>> 'Việt Nam nên cấm triệt để dạy thêm'
Hẳn sẽ có nhiều người nghĩ, những điều tôi mơ ở trên là viển vông, phi thực tế. Những thực ra những thay đổi đó vẫn đang diễn ra từng ngày trên khắp thế giới. Chỉ là chúng ta không nhận ra sự vận động của giáo dục thế giới mà thôi. Ngày nay, những công ty như Google, Microsoft hay các ngân hàng, công ty kiểm toán đã bắt đầu "tuyên chiến" với các Đại học. Họ đưa ra hệ thống các chứng chỉ (Certificates) cho các công việc chuyên môn hóa cực cao để thay thế cho các bằng cấp (degree) chung chung của các trường, dù là Đại học danh tiếng.
Người lao động sở hữu những chứng chỉ này có thể tự tin và có giá hơn nhiều cầm một tấm bằng Đại học hạng ưu khi bước vào phòng phỏng vấn. Điều này nói lên cách đào tạo bằng trường lớp và lý thuyết suông đã lỗi thời. Các dự án, kinh nghiệm thực tế giờ đây quyết định tất cả trong việc một sinh viên có kiếm được công việc tốt hay không?
Việt Nam chúng ta còn chờ gì nữa mà không thay đổi? Covid đã mang tới quá nhiều nỗi đau và tổn thất, nhưng nó cũng tạo ra rất nhiều cơ hội, những cách nghĩ, cách làm mới. Chúng ta đã có khái niệm "bình thường mới", vậy tại sao không cho phép chính mình thay đổi để có nền giáo dục "bình thường mới" - nơi không có điểm số, không có bàn ghế và những "bậc thầy về ru ngủ" mà chỉ có những đam mê kiến thức của cả giáo viên và học trò.
Tâm Chất
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.