Theo tôi, cần cấm triệt để việc dạy và học thêm thay vì cứ tìm cách, hiến kế quản lý hoạt động này. Điều này cho thấy giáo dục Việt Nam vẫn cứ lẽo đẽo đi sau thế giới. Hãy nhìn sang Trung Quốc, họ đã cấm hoàn toàn việc dạy thêm ở trường, cấm luôn các trung tâm dạy thêm ở ngoài, cấm cả dạy thêm online, trá hình dạy phụ đạo ở quán cà phê...
Tại sao Trung Quốc làm mạnh tay như vậy? Đó là vì họ đi theo mô hình giáo dục của các nước phát triển, đó là giảm tải tối đa lượng kiến thức lý thuyết suông (99% học sinh học xong là sẽ quên ngay); tăng cường lồng ghép hoạt động thể chất vào giáo dục. Họ cũng đầu tư mạnh vào các trường dạy nghề, hướng đến mục tiêu 50% học sinh THPT tốt nghiệp sẽ không thi đại học mà thi vào trường nghề kỹ thuật cao. Chỉ có làm như vậy thì giáo dục mới thực chất, đất nước mới có thể cất cánh được.
Việc dạy thêm, học thêm, theo tôi chỉ dành để bổ trợ kiến thức cho các học sinh yếu kém. Có nhiều người lấy lý do vì giáo viên yêu nghề nên mới dạy thêm để nâng cao kiến thức cho học trò. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hoạt động dạy thêm chủ yếu diễn ra ở một số môn chính như: Toán, Văn, Ngoại ngữ, cuối cấp THPT có thêm môn Vật lý, Hóa học. Vậy chẳng lẽ giáo viên các môn phụ như Giáo dục công dân, Địa lý, Lịch sử... không dạy thêm nghĩa là họ không yêu nghề?
>> Dạy thêm tràn lan vì học quá nặng
Chúng ta đừng ngụy biện và cổ súy cho tình trạng dạy thêm tràn lan này. Nó không chỉ làm thui chột thể lực các em học sinh, mà còn gây khó khăn, áp lực cho chính các bậc phụ huynh. Ngày nay, các học sinh thông minh, giỏi, xuất sắc, được nhà trường chọn đi thi học sinh giỏi, sẽ có các thầy, cô ôn luyện riêng để thi đấu rồi, thế nên chúng ta không phải lo các em sẽ không có điều kiện phát huy hết tố chất nếu không đi học thêm. Còn lại, đại đa số các em học sinh ở mức học trung bình, khá... dù có cố ép học thêm, ôn luyện đến đâu cũng sẽ chỉ dừng ở mức học vẹt, học tủ. Đâu phải cứ ai học thêm nhiều là thành được vĩ nhân.
Nghề nào cũng vậy, đã yêu thích công việc giảng dạy thì người ta mới chọn sư phạm, chứ không ai ép bạn phải làm giáo viên. Bây giờ, nhiều người cứ lấy lý do là lương giáo viên thấp nên bày đủ chiêu trò để ép học sinh đi học thêm, mong kiếm thêm thu nhập. Có một sự thật rằng đa số các bộ môn có thể dạy thêm như Toán, Văn, Lý, Hoá, Ngoại ngữ... các thầy cô dạy trên lớp rất hời hợt để học sinh phải đi học thêm. Đề kiểm tra 15 phút hay 45 phút đôi khi giống y hệt kiến thức học thêm bên ngoài, nên học sinh nào cũng phải đi học thêm để không bị điểm kém? Điều đó thật sự quá lãng phí thời gian quý báu trên lớp của các con.
Thực tế, sinh viên sư phạm (chính quy) hiện nay thất nghiệp rất nhiều, một phần do không "chạy" được vào biên chế. Đó cũng là căn nguyên khiến nhiều giáo viên sau khi tìm được công việc đã lập tức lao vào dạy thêm để "gỡ vốn". Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên làm quyết liệt vấn đề này để chấm dứt hẳn hoạt động dạy thêm. Hãy nhìn vào mô hình giáo dục của Đức mà Trung Quốc cũng đang đi theo, đó là đẩy mạnh phát triển các trường nghề, hạn chế sinh viên thi đại học đại trà. Đừng để giáo dục Việt Nam cứ mãi loay hoay với vấn đề muôn thuở - quản lý dạy thêm.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.