(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Ngày xưa, cấp ba tôi học trường chuyên cấp tỉnh. Xét theo các tiêu chuẩn học tập ở Việt Nam thì tôi là một sản phẩm thành công của trường chuyên. Nói thẳng ra thì bao nhiêu "vinh quang" thời đi học tôi đều có đủ, chỉ có mấy giải Olympic quốc tế thì đúng là chưa có. Tất nhiên là tôi biết ơn thầy cô đã bao nhiêu công sức dạy dỗ, biết ơn cha mẹ đã chăm lo nuôi nấng, yêu quý những người bạn tuổi thơ đã sát cánh bên tôi, động viên nhau học hành.
Đa phần các bạn học cùng khóa của tôi cũng có cuộc sống ổn định, làm nhiều nghề khác nhau nhưng ai cũng có chút sự nghiệp. Cũng có người là nhà ngoại giao, có người có tiếng tăm, có thể kiếm được cái tích xanh trên Facebook, một nhóm đi du dọc, giờ cũng có cái tiến sĩ xứ người. Chắc chắn là không ai tới nỗi đầu đường xó chợ hay trộm cắp phạm pháp.
Liệu tuổi thơ của tôi có bị đánh cắp vì học trường chuyên hay không? Chắc là có. Tôi chỉ học trường chuyên có ba năm trung học, chỉ nhớ là phải đi học thêm tới tối cả mặt mũi. Chơi thể thao là một mơ ước không có thật, các giáo viên yêu quý các học sinh giỏi, và bạn bè nói chuyện với nhau thì quan tâm đến thành tích học tập hơi bị nhiều.
Sau này sang Australia học đại học, tôi đi đá banh chung với đội của trường, vui là chủ yếu nhưng một mặt khác là để thỏa mãn đứa trẻ bị mất mấy năm thời thơ ấu của mình. Tới tận bây giờ tôi vẫn thích coi phim hoạt hình, các bạn người Mỹ nói rằng tôi đang sống nốt khoản thời gian thơ ấu cho đỡ tức.
Nhưng tôi vẫn không chắc là trường chuyên có cần thiết hay không? Nếu ngày trước tôi không học trường chuyên thì liệu tôi có được những thành tích như trên hay không? Và nếu như xóa bỏ trường chuyên thì thành tích học tập của tôi sẽ thế nào?
Các em học sinh vào được trường chuyên thì sẽ nhờ vào thi tuyển hay được "lo" cho vào. Nhóm đầu thì có năng lực học tập nhất định, nhóm sau thì gia đình có điều kiện nhất định. Cả hai nhóm đó khi lớn lên với một bệ phóng như vậy thì trở thành tầng lớp trung lưu cũng không có gì kì lạ. Một vài người trong số đó thành công hơn, trở nên nổi tiếng hay giàu lớn thì cũng bình thường.
Ở Mỹ thì hệ thống giáo dục chia ra trường công và trường tư. Trường công thì do nhà nước cấp phí, trường tư thì do cha mẹ trả tiền. Ở Việt Nam hiện giờ nó cũng như trường công và trường quốc tế vậy. Trường chuyên thời của tôi, khi mà trường quốc tế chỉ dành cho con cháu các nhà ngoại giao, giữ vai trò của một ngôi trường "quý tộc" mà trường quốc tế hiện nay dần thay thế.
Nhưng trường chuyên vẫn còn tồn tại. Nó giữ vai trò như một nơi cho các em học sinh có chút năng lực được học cùng nhau. Những kiến thức mà tôi được dạy trong trường chuyên cũng không khác các bạn khác là mấy. Thậm chí tôi còn phải đi học thêm các giáo viên ở trường không chuyên. Lý do hơi khó nói, nhưng mà một số giáo viên trường chuyên nhưng chuyên môn không quá cao, chúng tôi buộc phải học thêm để tích lũy mớ kiến thức cần thiết để đi thi học sinh giỏi.
Cái mà tôi thực sự "được" trong khoảng thời gian học trường chuyên là các mối quan hệ. Việc quen biết những người có địa vị, có tiếng tăm mà những người đó lại là bạn học của mình là một loại vốn liếng đặc biệt, ra đời cần nó hơn cần những kiến thức về thấu kính phân kì rất nhiều.
Cái sự "bất bình đẳng" tạo ra do trường chuyên nó cũng na ná như bất bình đẳng tạo ra do trường quốc tế. Cái khác là ở trường chuyên thì việc học giỏi phần nào khỏa lấp được vấn đề điều kiện gia đình, còn muốn học trường quốc tế thì buộc phải có tiền. Ở Mỹ cũng vậy, trường tư thì phải có tiền, chứ không có chuyện thi vào và chi phí cũng chỉ như trường công.
Vậy thì có nên bỏ trường chuyên hay không? Tôi nghĩ hoài vẫn không ra, bởi vì đằng nào tôi cũng cảm thấy bất công hết. Nhưng nhìn những người chê bai trường chuyên thì tôi thấy họ thuộc vào hai loại: Những người không học trường chuyên và những người học trường chuyên và cảm thấy không thích những gì mình đã trải qua.
Đối với nền giáo dục của cả xã hội thì trường chuyên không phải là vấn đề, nó chỉ là nơi mà bệnh thành tích được thể hiện không phải bằng cách nâng điểm mà bằng cách nuôi gà nòi để chọi với nhau cho vui.
Giáo dục Việt Nam giờ thì nên giảm tải chương trình học và giảm sĩ số cho học sinh đồng thời tăng thêm giờ chơi. Còn mấy cái trường chuyên đó thì chỉ gây ít khó khăn cho một nhóm nhỏ học sinh, còn lại chúng vẫn sống tốt đó thôi. Các bạn không học trường chuyên cũng không nên khó chịu làm gì, chúng tôi cũng chỉ bị ép học hơi nhiều hơn chứ giáo viên không giỏi hơn, chương trình không thú vị hơn, và ra trường thì những điều học được cũng không khác hơn các bạn ở trường công khác.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Khanh