"Không bằng đại học liệu có thể thăng tiến?", nhiều độc giả VnExpress cho rằng bằng cấp không quyết định thành công trong sự nghiệp:
Bằng cấp chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để đưa con người ta đến thành công. Quan trọng là sự trải nghiệm, toan tính và ý chí, phấn đấu của bạn về tương lai. Tôi từng chứng kiến nhiều người chẳng có bằng cấp gì nhưng cuộc sống họ rất thành công, cũng như có những người trình độ rất cao nhưng thiếu sự trải nghiệm, thiếu ý chí thì vẫn thất bại. Như tôi đây cũng trình độ đại học nhưng hiện tại mức lương của tôi chỉ năm triệu một tháng.
Tôi thu nhập 50 triệu một tháng, từ lúc đi làm cũng được bốn năm. Phỏng vấn rất nhiều công ty cả trong nước lẫn nước ngoài, tôi chưa thấy bất kỳ công ty nào đòi hỏi bằng cấp khi vào làm. Vì bên IT rất dễ để test trình độ và test ngoại ngữ qua bài phỏng vấn kỹ thuật. Có công ty ghi vào mô tả công việc là cần người có bằng cấp (họ mô tả cho dài thôi chứ chưa bao giờ đòi hỏi). Ngày trước, tôi đi học đại học chỉ chơi nhiều hơn học, kiến thức không là bao. Ra trường, tôi mới nhận ra và bắt đầu tự học, đa phần kiến thức tôi học được từ đồng nghiệp và internet. Nên đôi khi nhìn cái bằng tôi còn hơi xấu hổ (tại ngày xưa chỉ copy bài để qua môn). Bây giờ, cái bằng vứt ở nơi nào tôi cũng không nhớ.
Tôi cũng làm trong ngành công nghệ thông tin, chưa bao giờ thấy một yêu cầu nào đòi bằng đại học cả. Nhiều người không có bằng lương còn ổn hơn người đang có bằng đại học hoặc thậm chí cao học. Ngành này kén tuổi chứ không kén bằng. Tôi từng làm chung với một bạn học hết lớp 12, vì điều kiện khó khăn nên không học đại học, chỉ đi làm lơ xe trang trải cuộc sống và tự học lập trình và tiếng Anh. Bạn đó giờ đang làm cho một công ty của Singapore, lương rất cao. Bạn chỉ cần luôn trau dồi ngoại ngữ, chuyên môn là được.
Tôi biết một người chỉ học trung cấp công nghệ thông tin ở Huế, nhưng anh ấy làm trưởng phòng một tập đoàn nước ngoài. Cách đây ba năm, công ty mẹ bên Mỹ bảo lãnh cho cả vợ con anh, lo chỗ ở để anh sang làm việc bên đó với thời gian cam kết tối thiểu 5 năm. Anh được rất nhiều tập đoàn lớn mời gọi về, dù bằng cấp không có. Quan trọng là công việc bạn làm như thế nào, chứ nay vô siêu thị, cử nhân đại học, thạc sĩ bán hàng đầy.
Thứ nhất, ngành IT tuổi nghề ngắn, qua 35 tuổi bạn không lên được quản lý coi như bị đào thải hoặc không còn tiến thân được nữa. Bạn cố lấy bằng cũng mất mấy năm rồi, có khi lấy xong cũng không còn dịp dùng đến.
Thứ hai, bằng cấp chỉ là tấm vé vô cửa, nhất là cho các bạn sinh viên mới ra trường. Người đi làm tầm hai năm thì cái bằng vứt xó (ai còn vác theo cái bằng lúc này là đủ thấy hai năm qua không được kinh nghiệm gì cả).
Thứ ba, nhà tuyển dụng luôn ghi yêu cầu bằng cấp để dễ được mọi người quan tâm chứ thật ra mục đích của họ là cần người làm được việc.
>> 'Bằng cấp chỉ là bộ lọc giảm thiểu thời gian tuyển dụng'
Trong khi đó, với góc nhìn trái ngược, không ít ý kiến lại cho rằng bằng cấp là điều kiện tối thiểu để xây dựng một sự nghiệp thành công.
Trong công ty tôi, nhiều người giữ vị trí rất cao nhưng không có bằng đại học. Thậm chí, khi xưa họ đi phỏng vấn, tôi cũng chẳng hỏi họ có bằng hay không? Tôi chỉ chú trọng họ có kinh nghiệm và làm được việc không? Sau này, khi công ty phát triển, tôi không trực tiếp tuyển dụng nữa, và những người cấp dưới của tôi khi tìm nhân sự luôn đòi hỏi có bằng cấp. Điều đó cho thấy hai khía cạnh: có người trọng dụng tài năng của bạn, nhưng cũng có người luôn đánh giá người khác qua bằng cấp. Nhiều người học trường giỏi đòi lương cao nhưng làm việc không bằng một góc những người không bằng cấp. Nhưng đó là quan điểm của tôi, còn nhiều người khác không nghĩ như vậy. Do đó, nếu có thể, bạn hãy học thêm buổi tối, cố gắng lấy cái bằng để khi không làm công ty này, bạn cũng có thể dễ dàng kiếm việc ở công ty khác.
Bằng đại học nhất định phải có. Người ta nói không quan trọng bằng cấp là ở hai trường hợp:
1. Bạn tự kinh doanh, thành công, thuê người có bằng cấp vào làm.
2. Bạn đã có bằng đại học, đi làm cho người khác. Lúc đó, họ chỉ chú ý năng lực bạn có tương ứng hoặc giỏi hơn tấm bằng không?
Nhưng dù làm gì đi nữa, sau này, khi bạn được cất nhắc lên vị trí quản lý, họ sẽ lại xét bằng cấp.
Những người nói không cần bằng đại học vẫn có thể đi làm kiếm được tiền chỉ là một số lượng rất nhỏ mà thôi. Bằng đại học không quan trọng vậy thì sinh viên học ngày, học đêm để làm gì và đại học mở ra để dạy ai? Tới một lúc nào đó, người xin việc đông, mà việc làm ít, khi đó tấm bằng đại học sẽ được đem ra xem xét. Hãy cố gắng vừa đi làm, vừa đi học, tương lai của bạn sẽ không bắp bênh như người không có bằng đại học.
Bạn có làm gì thì bằng đại học cũng rất quan trọng, bởi:
1. Đó là chứng chỉ năng lực của bạn.
2. Là cơ sở nền tảng chuyên môn để từ đó xây dựng và phát triển.
3. Học đại học cho bạn tư duy rộng lớn, sâu sắc về nhiều vấn đề, cách tháo gỡ khó khăn, sự sáng tạo...
Nên nếu điều kiện cho phép, bạn nên học lấy một tấm bằng.
Có một thực tế không thể chối cãi được là tỷ lệ những người không có bằng cấp mà giỏi là rất ít nên ngày nay các công ty đa phần đặt trọng tâm tuyển dụng vào đối tượng có bằng cấp chứ ít công ty lại đặt trọng tâm ở đối tượng không bằng cấp. Trừ khi nguồn nhân lực ngành này đang thiếu hụt trầm trọng buộc họ phải quan tâm đến nguồn nhân lực không bằng cấp như một giải pháp tạm thời, điều này có thể thấy rõ trong ngành CNTT hiện tại.
Bằng cấp như giấy thông hành vậy. Nếu có bằng, bạn sẽ dễ dàng xin việc trong mọi tình huống, còn không có thì phải đi đường tắt hoặc đường "tiểu ngạch". Dù biết là nhiều khi cái bằng kia không quyết định tất cả nhưng trong thời đại mà nhà nhà người người đều có ít nhất một bằng trở lên thì bạn nên tự trang bị hành trang đầy đủ cho mình để trong tương lai có việc bất trắc còn lấy ra mà dùng. Cố gắng tận dụng thời gian rãnh để học tại chức, chuyên tu... và nhiều cách khác để đạt được mục đích.
>> Theo bạn, bằng đại học có cần thiết không? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.