Quá trình phát triển của nang tóc có sự ảnh hưởng của hormone tuyến giáp. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Thanh Tùng, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tình trạng rối loạn hormone tuyến giáp có thể dẫn đến chứng rụng tóc. Người bệnh cường giáp và suy giáp có thể bị rụng tóc từng mảng hoặc rụng tóc TE khiến tóc thưa hơn bình thường. Rụng tóc TE xảy ra khi có sự thay chu kỳ phát triển của tóc. Rụng tóc cũng có thể là tác dụng phụ không mong muốn khi dùng các loại thuốc kháng giáp. Không chỉ rụng tóc, các bệnh tuyến giáp còn có thể gây rụng lông ở các vị trí khác nhau trên cơ thể.
Rối loạn hormone tuyến giáp kéo theo rối loạn chu kỳ tăng trưởng của tóc, làm cho chúng yếu, dễ gãy rụng. Các bệnh tuyến giáp dẫn đến rụng tóc bao gồm:
Suy giáp: Chức năng tuyến giáp rối loạn khiến hormone giáp không được sản sinh đầy đủ làm chậm quá trình trao đổi chất trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe nang tóc, khiến tóc mới mọc chậm hơn.
Cường giáp: Ngược lại với suy giáp, cường giáp là tình trạng sản xuất hormone tuyến giáp vượt quá nhu cầu bình thường của cơ thể. Quá trình chuyển hóa tăng thúc đẩy các tế bào hoạt động cường độ cao, trong đó có tế bào mầm tóc. Tốc độ chuyển hóa quá mức khiến cơ thể tiêu hao năng lượng nhanh, giảm cung cấp máu và dưỡng chất nuôi tóc, dẫn đến tóc yếu, rụng.
Các bệnh tuyến giáp khác: Ung thư tuyến giáp có thể gây rụng tóc hoặc thay đổi kết cấu của tóc như tóc khô, mỏng, dễ gãy. Ở một số trường hợp ít gặp, người bệnh bị thay đổi màu tóc như sẫm màu hoặc sáng hơn do quá trình sản xuất melanin (sắc tố tạo màu tóc) bị gián đoạn.
Theo bác sĩ Tùng, để phòng rụng tóc do bệnh tuyến giáp, người bệnh nên duy trì chế độ ăn uống tốt bằng cách bổ sung nhiều cá, rau màu xanh đậm, các loại đậu và hạt, thịt nạc, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, gan, lòng đỏ trứng, phô mai, sữa chua...
Bổ sung iốt cân đối theo hướng dẫn của bác sĩ vì chất này cần thiết cho quá trình tổng hợp hormone của tuyến giáp. Nếu thiếu hụt iốt, người bệnh nên tăng cường cá, tôm, tảo biển, hải sản... vào thực đơn. Ngược lại, người dư thừa iốt không nên ăn các thực phẩm này và hạn chế muối iốt.
Giảm tiếp xúc với chất gây ảnh hưởng tuyến giáp như thuốc lá, rượu, thuốc trừ sâu, amiăng, lithium... Dành thời gian vận động thể dục, yoga, thiền để giải tỏa căng thẳng và rèn luyện sức khỏe. Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe.
Bác sĩ Tùng khuyến cáo người bệnh có các biểu hiện bất thường nhất là ở vùng cổ nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa Nội tiết để kiểm tra, tầm soát nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp.
Bảo Ngọc
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |