Bài viết được tư vấn bởi ThS.BS.CKI Hà Thị Ngọc Bích, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Biểu hiện của cường giáp phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ của bệnh.
Bệnh chia làm hai nhóm:
- Cường giáp do tăng sự kích thích gồm bệnh basedow, bướu giáp đa nhân, nhân giáp độc, thai trứng, choriocarcinoma, u quái, ung thư tuyến giáp, u tuyến yên tiết TSH (hormone kích thích tuyến giáp).
- Cường giáp tự chủ gồm bướu tuyến giáp đơn nhân hoặc đa nhân, viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến giáp thầm lặng, viêm tuyến giáp sau sinh...
Yếu tố nguy cơ
Người có tiền sử gia đình hoặc bản thân mắc bệnh tuyến giáp, sử dụng các loại thuốc có chứa iốt có nguy cơ cao mắc cường giáp.
Triệu chứng
- Hồi hộp.
- Tim đập nhanh.
- Sụt cân.
- Tiêu chảy.
- Ra nhiều mồ hôi.
- Da nóng ẩm.
- Sợ nóng.
- Run tay.
- Thay đổi tính tình (nói nhanh, nói nhiều, tăng động, dễ bị kích động).
- Biểu hiện ở mắt như lồi mắt, co kéo cơ mi, mắt nhắm không kín, hay chảy nước mắt...
Biến chứng
Cường giáp nếu không được điều trị đúng có thể gây ra cơn bão giáp - tình trạng cấp cứu nội tiết với tiên lượng tử vong cao. Đây là biến chứng nặng nhất trong quá trình diễn tiến cường giáp đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.
Điều trị
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ chỉ định phương pháp phù hợp. Điều trị cường giáp nhằm mục đích giảm các triệu chứng như đánh trống ngực, run, mệt mỏi, sụt cân... và kiểm soát được hormone tuyến giáp.
Bác sĩ có thể được chỉ định điều trị cường giáp bằng thuốc, iod phóng xạ, phẫu thuật tùy từng bệnh nhân.
Nếu người bệnh không còn triệu chứng và tự ý ngừng uống thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ có thể khiến hormone tuyến giáp tăng cao trở lại, nặng hơn dẫn đến cường giáp nặng, cơn bão giáp nguy hiểm đến tính mạng.
Người bệnh điều trị cường giáp bằng iod phóng xạ hoặc phẫu thuật thì sau đó vẫn cần tái khám và xét nghiệm chức năng tuyến giáp thường xuyên để điều trị phù hợp.
Phần lớn trường hợp cường giáp có thể chữa khỏi được nếu người bệnh tuân thủ điều trị.
Trong thời gian điều trị, người bệnh cần tránh gây chấn thương hay sờ nhiều lần ở vùng tuyến giáp. Người bệnh cường giáp cần được theo dõi thường xuyên để biết hiệu quả điều trị, nhất là mắc bệnh cường giáp khi mang thai. Nên hoãn các thủ thuật, phẫu thuật nếu không cấp cứu đến khi người bệnh kiểm soát được tình trạng cường giáp tới mức bình giáp.
Phòng ngừa
Bệnh cường giáp không thể phòng ngừa, tuy nhiên có thể khám tầm soát sớm để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |