Tuyến giáp nằm phía trước cổ, ở giữa khí quản và thanh quản, có nhiệm vụ sản xuất, giải phóng các hormone như Thyroxine (T4), Triiodothyronine (T3), Calcitonin. Các hormone này có nhiệm vụ điều chỉnh nhịp tim, huyết áp, kiểm soát quá trình trao đổi chất, điều hòa thân nhiệt...
BS.CKI Hà Thị Ngọc Bích, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh tuyến giáp là nhóm bệnh do rối loạn sản xuất hormone tuyến giáp. Lượng hormone tiết ra quá ít là nguyên nhân gây suy giáp, ngược lại dẫn đến cường giáp. Một số bệnh tuyến giáp khác không liên quan đến quá trình sản xuất hormone của tuyến giáp như bệnh bướu giáp (nhân giáp), ung thư tuyến giáp. Bệnh tuyến giáp không được chẩn đoán và điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng bao gồm:
Biến chứng về tim mạch: Khi tuyến giáp giải phóng quá nhiều hormone (cường giáp), người bệnh có khả năng mắc các bệnh liên quan đến tim mạch như rung nhĩ (nhịp tim nhanh và không đều), đau ngực, tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngược lại, tình trạng giảm chức năng tuyến giáp do không đủ hormone giáp dẫn đến các vấn đề về tim mạch như tăng cholesterol và triglyceride trong máu, nhịp tim chậm, huyết áp thấp, nguy cơ xơ vữa động mạch, suy tim.
Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Quá ít hormone tuyến giáp có thể cản trở quá trình rụng trứng, gây vô kinh hoặc tắc kinh trong thời gian dài, làm suy yếu khả năng sinh sản của phụ nữ. Tuyến giáp là bộ phận quan trọng có liên quan đến khả năng sản xuất hormone sinh dục nữ progesterone của buồng trứng. Khi chức năng tuyến giáp kém, progesterone được sản xuất ra ít hơn, ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai thành công, tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới.
Với nam giới, bệnh tuyến giáp có thể gây mất cân bằng nồng độ hormone testosterone trong cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng, giảm khả năng sinh sản.
Ảnh hưởng đến thần kinh và tâm thần: Bệnh tuyến giáp thường tác động đến các triệu chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, cảm xúc của người bệnh. Các vấn đề thường gặp như cảm xúc thất thường, lo lắng quá mức, hồi hộp, tim đập nhanh hoặc trầm cảm, chán ăn, rối loạn giấc ngủ. Người bệnh suy giáp có thể bị mất trí nhớ ngắn hạn, thiếu tỉnh táo, khó tập trung...
Các biến chứng khác của bệnh tuyến giáp bao gồm loãng xương, viêm khớp, lồi mắt và ảnh hưởng đến thị lực (đối với người bệnh Basedow). Người bệnh có nguy cơ tử vong do cơn bão giáp (cường giáp nặng). Các biến chứng nặng khác do ung thư tuyến giáp di căn, xâm lấn.
Triệu chứng bệnh tuyến giáp đa phần diễn biến âm thầm trong nhiều năm. Do đó, người bệnh dễ bỏ qua, không được phát hiện và điều trị kịp thời dẫn đến nhiều rủi ro sức khỏe. Bác sĩ Bích khuyến cáo người có các biểu hiện bất thường về tuyến giáp nên đến cơ sở y tế uy tín để được khám và tư vấn.
Bảo Ngọc
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |