Trái cây này là thực phẩm bổ dưỡng, thơm ngon; chứa nhiều chất xơ, chất béo tốt, vitamin và khoáng chất. Thực phẩm này giàu các chất dinh dưỡng thường bị thiếu trong chế độ ăn uống của nhiều người như magie, kali, vitamin B6, C và E.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 150 gram bơ chứa 12,79 gram carbohydrate; ít hơn một gram đường; khoảng 10 gram chất xơ; 22 gram chất béo (trong đó có gần 19 gram chất béo không bão hòa) và 240 calo. Bơ ít carb, hàm lượng chất xơ cao nên những người mắc bệnh tiểu đường có thể thưởng thức loại quả này vừa phải mà không lo tăng đường huyết.
Kết hợp quả bơ với các loại thực phẩm khác cũng có thể giúp giảm lượng đường trong máu tăng đột biến. Chất béo và chất xơ của nó mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và làm chậm quá trình hấp thụ các loại carbohydrate trong thực phẩm khác khi ăn cùng lúc.
Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ khuyến nghị những người bị tiểu đường nên thêm bơ vào khẩu phần ăn. Chất xơ và chất béo lành mạnh trong loại quả này có tác dụng kéo dài cảm giác no và giảm cơn thèm ăn 5 giờ sau đó. Khi cảm thấy no lâu hơn, bạn sẽ ít ăn vặt và tiêu thụ thêm calo. Chất béo không bão hòa đơn cũng có thể giúp cơ thể bạn sử dụng insulin hiệu quả hơn.
Với người bệnh tiểu đường, chất xơ góp phần giảm đường huyết lúc đói và ổn định mức hemoglobin A1C theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Hội đồng Y học Gia đình Mỹ (JABFM). A1C là một xét nghiệm máu cung cấp thông tin về mức đường huyết trung bình của một người trong 3 tháng.
Một nghiên cứu của Đại học Loma Linda (Mỹ) đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng của Mỹ đánh giá tác dụng của việc thêm nửa quả bơ vào bữa trưa tiêu chuẩn của những người khỏe mạnh, thừa cân. Họ phát hiện ra rằng bơ không ảnh hưởng đáng kể đến lượng đường trong máu.
Bạn có thể thử một chế độ ăn giàu chất xơ với bơ, rau xanh, quả mọng... để kiểm soát bệnh. Nam giới nên tiêu thụ khoảng 30-34 gam chất xơ mỗi ngày. Phụ nữ cần từ 25-28 gam chất xơ mỗi ngày. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường khi có thay đổi đáng kể đối với chế độ ăn uống cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên phù hợp.
Bệnh nhân tiểu đường cũng có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cao hơn những người bình thường. Theo Viện quốc gia về bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận của Mỹ, bệnh tim và đột quỵ là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người tiểu đường theo. Chất béo trong bơ làm tăng mức cholesterol tốt (HDL), giảm mức cholesterol xấu (LDL) giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Trong bơ có nhiều kali cần thiết cho một số chức năng quan trọng của cơ thể, bao gồm điều hòa huyết áp và chức năng hệ thần kinh. Nhận đủ lượng kali khuyến nghị hàng ngày có thể giúp bảo vệ khỏi cao huyết áp và đột quỵ. Việc giảm huyết áp cũng có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường.
Chất xơ dồi giàu trong bơ góp phần thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh trong hệ tiêu hóa. Ăn bơ góp phần tạo ra axit béo chuỗi ngắn (SCFAs). Axit béo chuỗi ngắn giúp cung cấp năng lượng cho các tế bào ruột kết và bảo vệ chống lại các bệnh như ung thư đại trực tràng và bệnh viêm ruột.
Bơ chứa nhiều hợp chất bao gồm carotenoid và phenolic. Những chất này được chứng minh là có hoạt động chống oxy hóa, bảo vệ thần kinh và bảo vệ tim mạch. Một nửa quả bơ cung cấp 15% nhu cầu vitamin B6 hàng ngày giúp giảm viêm và bảo vệ chống lại tác hại của quá trình oxy hóa.
Bơ dễ kết hợp để làm thành nhiều món ăn khác nhau. Bạn có thể ăn bơ với bánh mì nướng bằng cách phết 1-2 thìa cà phê bơ lên bánh mì thay cho bơ thực vật hay phô mai để giảm lượng calo và chất béo nạp vào cơ thể. Bạn có thể sử dụng bơ với các loại rau quả tươi khác để làm món salad.
Huỳnh Long
(Theo Healthline, Medical News Today)