Hội chứng rò rỉ ruột hay "thấm ruột" là sự gia tăng tính thấm của lớp niêm mạc ruột non bị tổn thương. Nó khiến thức ăn không được tiêu hóa, các chất thải độc hại và vi khuẩn thấm qua ruột, tràn vào dòng máu.
Các triệu chứng như khó chịu ở bụng, đau bụng, đầy hơi, táo bón, đầy bụng, tiêu chảy, các phản ứng dị ứng... Người mắc bệnh lý về đường tiêu hóa nhiều nguy cơ bị rò rỉ ruột hoặc mắc bệnh viêm ruột, Crohn, viêm loét đại tràng, làm tổn thương lớp niêm mạc của ruột. Người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống khoa học để khôi phục hàng rào niêm mạc bảo vệ thành ruột, phòng rối loạn tiêu hóa. Dưới đây là một số gợi ý.
Ăn nhiều rau
Người bị hội chứng ruột rò rỉ nên ăn nhiều trái cây, rau chứa chất xơ giúp cải thiện tình trạng bệnh. Khi ăn nên gọt vỏ, cắt nhỏ, nấu chín để dễ tiêu hóa. Các loại củ như khoai tây, cà rốt có thể chế biến thành nhiều món hấp. Trái cây có thể ép thành nước hoặc xay sinh tố; tránh ăn ngô, bông cải xanh, mận khô vì gây đầy hơi, chướng bụng.
Bổ sung hạt, ngũ cốc
Khi gặp khó khăn tiêu hóa thức ăn, bạn có thể chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế. Ăn sáng bằng ngũ cốc nóng, bột nghiền, bột yến mạch, gạo trắng, không thêm đường để dễ tiêu hóa. Ăn các loại hạt chứa carbohydrate thấp cũng giúp dễ tiêu, ruột có cơ hội phục hồi.
Uống sữa chua
Một số người bị rối loạn tiêu hóa nhận thấy các sản phẩm từ sữa có xu hướng khiến triệu chứng đường ruột nặng hơn, kể cả khi không dùng đường lactose. Người mắc hội chứng ruột rò rỉ có thể uống sữa chua, ăn phô mát thay thế cho các sản phẩm làm từ sữa. Sữa chua giàu men vi sinh, giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.
Bạn có thể thử sữa chua hoặc thực phẩm bổ sung probiotic nếu nhận thấy kombucha, kim chi, dưa cải bắp và các loại thực phẩm lên men khác gây khó chịu cho hệ tiêu hóa.
Món ăn chế biến từ trứng
Nếu bạn không ăn các sản phẩm từ động vật như thịt, đậu phụ thì trứng là lựa chọn thay thế. Các loại đậu cung cấp nhiều protein nhưng dễ khiến người ăn bị đầy hơi, chướng bụng. Một số người bị rối loạn tiêu hóa nhận thấy hàm lượng chất béo cao trong các loại hạt và bơ hạt khó tiêu hóa. Nếu muốn ăn loại thực phẩm này, người bệnh có thể chia bơ, hạt thành các phần nhỏ để dễ hấp thu.
Thức ăn nhiều dầu, gia vị, chất béo tiềm ẩn nguy cơ gây kích ứng ruột. Thịt nạc, ức gà không da cũng dễ tiêu, giúp hạn chế các triệu chứng của ruột rò rỉ. Bệnh nhân có thể ăn cá hồi chín vừa để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, vừa có lợi cho đường ruột.
Tránh đồ uống có cồn
Uống đủ lượng nước trong ngày giúp đường tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Caffeine từ cà phê và trà có thể gây khó chịu ở một số người và nên hạn chế. Rượu có khả năng làm tăng tính thẩm thấu của ruột theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học Lâm sàng. Người bệnh nên tránh sử dụng rượu để bảo vệ đường ruột. Bạn có thể dùng đồ uống ấm như nước hầm xương hoặc bổ sung chất dinh dưỡng dạng lỏng.
Chia nhiều bữa nhỏ
Một số người mắc bệnh về đường tiêu hóa nhận thấy việc ăn uống theo lịch trình giúp kiểm soát các triệu chứng của đường ruột. Hệ tiêu hóa hoạt động tốt nếu bữa ăn trong ngày được chia thành nhiều bữa nhỏ.
Minh Thúy (Theo Very Well Health)