Thuốc lá khi đốt cháy tạo ra hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có ít nhất 69 loại có khả năng gây ung thư. Người hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc thụ động thường xuyên dễ ho, khó thở, nguy cơ cao mắc nhiều bệnh hô hấp như viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các cơn hen phế quản cấp, ung thư phổi.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết mức độ ảnh hưởng của khói thuốc lá trên phổi phụ thuộc vào lượng thuốc hút, thời gian hút, tính cảm nhiễm với khói thuốc. Những tổn thương ở phổi do khói thuốc có thể không phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, cơ quan này có khả năng tự chữa lành, làm sạch khi không còn tiếp xúc với khói thuốc.
Theo Healthline, sau 12 giờ không hút thuốc, phổi tự đào thải lượng khí carbon monoxide thừa, làm tăng mức oxy của cơ thể. Sau một tháng, chức năng phổi bắt đầu cải thiện. Sau 9 tháng, cấu trúc lông mao trong phổi bị tổn thương do khói thuốc có thể tự lành. Khoảng 10 năm, nguy cơ ung thư phổi và tử vong vì căn bệnh này giảm gần một nửa so với người tiếp tục hút thuốc.
Chủ động thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng và cường độ vận động giúp đẩy nhanh quá trình cải thiện sức khỏe của phổi, tăng dung tích phổi sau khi bỏ thuốc lá. Dưới đây là một số cách.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, tập thể dục là cách quan trọng nhất để khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của hút thuốc. Hoạt động thể thao giúp tăng lưu thông máu, tăng trao đổi khí. Những cử động, di chuyển của các cơ trong cơ thể làm tăng nhu cầu oxy, kích thích phổi hoạt động mạnh hơn để cung cấp oxy và loại bỏ CO2.
Duy trì thói quen này thường xuyên, hoạt động của túi khí trong phổi và khả năng hít vào nhiều không khí hơn, góp phần tăng dung tích phổi. Nhờ đó máu giàu oxy và chất dinh dưỡng tiếp cận tới những khu vực trước đây bị hạn chế do tác động thu hẹp mạch máu của thuốc lá.
Nên bắt đầu bằng các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, sau đó tăng dần theo thời gian. Để đạt hiệu quả tốt nhất, duy trì ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 lần mỗi tuần. Chọn những địa điểm tập luyện có không khí trong lành, tránh nơi có mật độ giao thông cao.
Theo bác sĩ Lan, khi mới bắt đầu, một số người có thể cảm nhận có nhiều đờm trong phổi hoặc ho nhiều hơn, có thể xảy ra tạm thời sau khi ngừng hút thuốc. Đây là cách phổi tự làm sạch và loại bỏ các chất độc hại.
Tránh xa khói thuốc thụ động để tránh bị cám dỗ hút thuốc trở lại và bảo vệ phổi khỏi tác động của khói thuốc. Khi hít phải khói thuốc thụ động, phế nang cũng mất tính đàn hồi, dung tích phổi thu hẹp, cản trở sự di chuyển của không khí trong đường hô hấp. Nicotin trong khói thuốc cũng làm chậm sự chuyển động của lông mao, khiến chất nhầy và chất độc tích tụ tại phổi, gây tắc nghẽn.
Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây tươi chứa nhiều vitamin C giúp chống viêm, ngăn ngừa tổn thương tế bào. Điều này cũng trung hòa các gốc tự do mà cơ thể sản sinh ra khi tiếp xúc với chất độc hại như khói thuốc lá, nhờ đó có thể phục hồi tổn thương phổi.
Một số loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải, cải xoăn... góp phần chữa lành phổi. Mầm bông cải xanh và các loại rau họ cải khác còn chứa hợp chất sulphoraphane, hỗ trợ hệ miễn dịch loại bỏ vi khuẩn có hại khỏi hệ hô hấp, bảo vệ và chữa lành phổi.
Uống đủ nước mỗi ngày làm tăng lưu thông máu, làm loãng dịch nhầy, kích thích hoạt động của hệ thống lông mao, loại bỏ độc tố ra khỏi cơ quan này. Người trưởng thành khỏe mạnh nên uống khoảng 8 cốc nước (mỗi cốc 237 ml) mỗi ngày. Ưu tiên uống nước ấm thay vì nước đá lạnh. Theo Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ), nước trà xanh chứa chất chống oxy hóa có thể sửa chữa những tổn thương do các gốc tự do trong khói thuốc lá gây ra.
Luyện hít thở sâu khoảng 5-10 phút mỗi ngày có thể giải tỏa căng thẳng, tránh cảm giác thèm hút thuốc. Các bài tập hít thở chủ động như thở chúm môi, thở bằng cơ hoành thúc đẩy quá trình trao đổi khí hiệu quả, cải thiện hoạt động của phổi.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |