Sỏi túi mật là những tinh thể rắn chứa cholesterol hoặc bilirubin hình thành trong túi mật, xảy ra do sự mất cân bằng các thành phần trong dịch mật. Dịch mật có chức năng hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hòa tan cholesterol. Cholesterol dư thừa là điều kiện thuận lợi để hình thành sỏi.
Túi mật bị mất chức năng, không co bóp đủ để tống xuất mật thường xuyên hoặc tống xuất không đầy đủ làm mật bị cô đặc cũng dễ tạo sỏi. Sỏi có nhiều kích thước khác nhau.
BS.CKII Võ Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết sỏi túi mật là bệnh lý khá phổ biến, nhưng giai đoạn đầu sỏi không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Người bệnh thường được phát hiện tình cờ khi khám, bệnh đa số phát hiện ở giai đoạn muộn.
Những người có nguy cơ cao mắc sỏi mật bao gồm:
Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người từng mắc sỏi thì bạn có nguy cơ cao hơn. Bác sĩ Bích dẫn nghiên cứu đăng trên Thư viện Y tế quốc gia Mỹ, cho biết gene di truyền chiếm khoảng 25% nguy cơ tổng thể phát triển sỏi mật.
Béo phì là yếu tố nguy cơ cao gây sỏi mật. Người béo phì có khả năng phát triển sỏi mật cao hơn bình thường do có chỉ số cholesterol máu cao, tích tụ nhiều mỡ bụng. Những người thừa cân thường gặp tình trạng tăng insulin và lipid máu, kháng insulin, làm tăng bài tiết cholesterol ở gan, gây ra các rối loạn chức năng túi mật.
Giảm cân cấp tốc: Sỏi mật thường xảy ra ở những bệnh nhân béo phì giảm cân cấp tốc do chế độ ăn kiêng khắc nghiệt làm tăng mức cholesterol trong mật, nguy cơ phát triển sỏi cao.
Người ăn kiêng: Chế độ ăn kiêng có thể gây ra sự mất cân bằng của muối mật và cholesterol trong túi mật. Mức cholesterol tăng lên và lượng muối mật giảm. Nhịn ăn trong thời gian dài (như bỏ bữa sáng) làm giảm sự co bóp của túi mật hay chế độ ăn quá ít calo, không chứa đủ chất béo khiến túi mật co bóp không đủ để tống xuất mật. Các yếu tố này đều thúc đẩy quá trình hình thành sỏi.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác gây sỏi mật như phụ nữ, trên 40 tuổi, ít vận động, thiếu máu tán huyết hoặc xơ gan, sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone, phụ nữ đang mang thai...
Tùy vào từng trường hợp và tình trạng biến chứng của sỏi túi mật, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị sỏi túi mật bằng nội khoa, nội soi hoặc ngoại khoa.
Triệu chứng sỏi thường gồm đau bụng trên bên phải, sau đó lan dần ra vai phải hoặc lưng, đau vùng giữa bụng trên, đau khi ăn, buồn nôn, nôn, sốt và ớn lạnh, phân bạc màu, vàng da, vàng mắt.
Sỏi có nhiều kích thước, nếu không phát hiện kịp thời sẽ có khả năng làm tắc nghẽn con đường vận chuyển dịch mật tự nhiên, gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm túi mật, hoại tử và thủng túi mật, ung thư túi mật, viêm đường mật, viêm tuyến tụy.
Bác sĩ Bích khuyên mỗi người nên phòng bệnh bằng cách áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày. Khám sức định kỳ để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |