Loãng xương xảy ra khi mật độ xương giảm, khiến xương yếu và dễ gãy. Mất xương ở giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu nhận biết. Khi xương yếu do loãng xương, cơ thể xuất hiện các triệu chứng gồm đau lưng do xương gãy hoặc xẹp ở cột sống, giảm chiều cao theo thời gian, lưng khom.
Dưới đây là nhóm người dễ bị loãng xoang sớm, nên có cách chăm sóc phù hợp.
Phụ nữ trên 50 tuổi
Nghiên cứu năm 2014 của Bệnh viện Tallaght, Ireland và Bệnh viện St Thomas, Anh, ước tính có 50% phụ nữ và 20% nam giới trên 50 tuổi gãy xương do loãng xương. Trong đó, gãy xương hông là tình trạng nặng nhất vì có nguy cơ tàn tật, tử vong và chi phí điều trị cao.
Loãng xương ở phụ nữ cao gấp 4 lần nam giới vì họ có cấu trúc xương nhẹ, mỏng. Phụ nữ thường sống thọ hơn đàn ông nên dễ bị loãng xương hơn.
Tiền sử gia đình
Nghiên cứu năm 2021 của Trường Đại học Babes Bolyai, Romania, cho thấy tiền sử loãng xương của cha mẹ ảnh hưởng tiêu cực đến mật độ xương và làm tăng đáng kể tỷ lệ gãy xương ở các con. Nguyên nhân do yếu tố di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển xương.
Từng gãy xương
Triệu chứng cảnh báo sớm của loãng xương là gãy xương. Vì xương không yếu đi ngay lập tức mà diễn ra dần theo thời gian. Đến khi xương yếu, một chấn động hay va chạm đủ mạnh có thể dẫn đến gãy xương. Những vị trí có nguy cơ gãy cao là xương cổ tay, đùi, ngón tay, cột sống.
Dáng người nhỏ
Đàn ông và phụ nữ có dáng người nhỏ có khả năng loãng xương cao vì ít khối lượng xương để sử dụng khi về già. Theo Trường Đại học Y Harvard, Mỹ, nhóm người đạt cân nặng dưới 58 kg hoặc có chỉ số BMI dưới 21 có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.
Các nhà khoa học lý giải người thiếu cân thường có trọng lượng cơ thể thấp nên có ít mô mềm và mật độ khoáng xương không cao. Họ cũng dễ thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng cho hệ xương như vitamin D và protein. Cuối cùng, nhóm người này dễ bị chấn thương liên quan đến té ngã do sức mạnh cơ bắp giảm.
Mãn kinh
Nhiều nghiên cứu cho thấy mãn kinh có mối liên quan với loãng xương. Nguyên nhân do suy giảm hormone estrogen ảnh hưởng đến các tế bào xương và tế bào hủy xương. Bên cạnh đó, nồng độ estrogen thấp cũng tạo ra quá ít xương mới và không duy trì được cấu trúc xương đúng cách.
Trung bình phụ nữ có thể mất 10% khối lượng xương trong 5 năm đầu sau khi mãn kinh. Sau đó, tốc độ mất xương chậm lại. Một vài phụ nữ trên 60 tuổi bị gãy xương do loãng xương ít nhất một lần.
Mắc bệnh tiêu hóa
Loãng xương thường gặp ở người bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng. Nghiên cứu cắt ngang ở bệnh nhân viêm ruột của Trường Đại học Leiden, Hà Lan, cho thấy tỷ lệ loãng xương dao động 12-42%.
Các bệnh đường tiêu hóa thường khiến cơ thể kém hấp thu và hạn chế tiêu hóa các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe hoặc có tác dụng duy trì xương khỏe mạnh. Sử dụng một số thuốc và tình trạng viêm nhiễm lâu dài cũng làm tăng khả năng loãng xương.
Huyền My (Theo Medical News Today, WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |