Xét nghiệm bệnh gout được thực hiện nhằm giúp bác sĩ xác định người bệnh có mắc gout không, phân biệt gout với các bệnh lý khác và kiểm tra nguyên nhân làm tăng nồng độ axit uric trong máu người bệnh. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, xác định nguy cơ gặp tác dụng phụ của người bệnh khi dùng thuốc hạ urat. Đối với người bệnh đang điều trị gout, việc xét nghiệm nồng độ axit uric trong máu thường xuyên giúp đánh giá mức độ hiệu quả của phương án điều trị và kịp thời điều chỉnh nếu cần thiết.
ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết xét nghiệm gout thường được khuyến nghị cho người có triệu chứng của gout hoặc có tiền sử nghi ngờ đang trong đợt bùng phát bệnh gout cấp với các dấu hiệu như: đau, sưng, đỏ ở một hoặc nhiều khớp; đau dữ dội ở khớp bàn ngón chân cái; viêm tái phát ở vòm trong của bàn chân; có các triệu chứng thoáng qua của bệnh gout và tự khỏi.
Một số xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán bệnh gout như:
Xét nghiệm máu
Bác sĩ sẽ sử dụng mẫu máu của người bệnh để xác định nồng độ axit uric và chỉ số thanh thải creatinin. Đây là phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán bệnh gout. Nếu người bệnh được xác định đã mắc bệnh gout, xét nghiệm này sẽ được tiến hành nhiều lần để theo dõi hiệu quả điều trị.
Xét nghiệm dịch khớp
Dịch khớp nằm ở khoảng trống giữa các khớp, có vai trò như một lớp đệm các đầu xương, giảm ma sát trong quá trình hoạt động của các khớp. Sau khi được lấy ra khỏi khe khớp, mẫu dịch được soi dưới kính hiển vi để tìm kiếm các bất thường và chẩn đoán nguyên nhân gây viêm khớp. Ngoài ra, dịch khớp còn được nhuộm Gram để tìm các tinh thể urat hình kim, đặc trưng của bệnh gout, cũng như vi khuẩn và các yếu tố gây bệnh khác.
Các xét nghiệm khác
Ngoài hai phương pháp trên, để chẩn đoán bệnh gout và loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn gây đau khớp khác, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như: kiểm tra công thức máu, xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR), xét nghiệm C-Reactive Protein (CRP), xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA), xét nghiệm anti- CCP, xét nghiệm yếu tố thấp (RF),... hoặc chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính.
Bác sĩ Thúy Vân cho biết, nồng độ axit uric bình thường dao động từ 1,5-7 mg/dl. Khi cơ thể đang tạo ra quá nhiều axit uric hoặc thận đang đào thải hợp chất này không đúng cách sẽ làm cho nồng độ axit uric trong máu của người bệnh tăng cao bất thường. Theo đó, nồng độ axit uric được xem là tăng cao nếu chỉ số này ở nam giới vượt quá 7 mg/dl và 6 mg/dl ở phụ nữ.
Những triệu chứng của bệnh gout có nhiều điểm tương đồng với các tình trạng viêm khác nên rất dễ gây nhầm lẫn, có thể gây chậm trễ trong điều trị. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển thành các tình trạng nghiêm trọng hơn như: cơn đau do gout tái phát nhiều lần, lắng đọng tinh thể urat dưới da thành các nốt tophi, gây sỏi thận, tổn thương tim mạch... Thậm chí về lâu dài, gout có thể phá hủy khớp, làm cho người bệnh mất khả vận động, teo cơ và tàn phế. Vì vậy, việc nhận diện bệnh đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo điều trị kịp thời với phương pháp thích hợp.
Bác sĩ Thúy Vân khuyến cáo, nhằm đảm bảo kết quả chính xác, trước khi xét nghiệm gout, người bệnh cần lưu ý: Không uống rượu bia, nhịn ăn và uống trong 4 giờ trước khi xét nghiệm; không tự ý uống aspirin, ibuprofen, vitamin C hàm lượng cao, nên trao đổi với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào đang dùng.
Phi Hồng