Tức ngực thường được điều trị dựa trên nguyên nhân khởi phát. Theo Very Well Health, nhận biết những tác nhân gây tức ngực sau có thể giúp người bệnh an tâm kiểm soát triệu chứng đúng cách, phòng bệnh lý trở nặng.
Nhiễm trùng đường hô hấp
Nhiễm trùng đường hô hấp, như cảm lạnh hoặc cúm thông thường có thể gây tức ngực, do dịch nhầy tích tụ trong đường tai, mũi và họng gây tắc nghẽn đường thở. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người bị tức ngực do nhiễm trùng đường hô hấp nên bù đủ nước, uống nước ấm giúp thông và loãng đờm. Hơi nước của các thiết bị phun sương, tạo ẩm và từ hơi nước ấm lúc tắm cũng hỗ trợ thông đường thở hiệu quả.
Người bệnh có thể trang bị thiết bị tạo ẩm lúc đi ngủ cùng với tinh dầu bạc hà giúp nhanh vượt qua cơn cảm, cúm. Một số thuốc không kê đơn giúp thông mũi, long đờm cũng có tác dụng làm dịu triệu chứng. Bạn cũng có thể dùng một số thuốc bôi ngoài da có chứa tinh dầu bạc hà, xoa lên ngực hay vùng cổ họng để dịu bớt cơn nghẹt mũi, vấn đề tức ngực cũng sẽ khỏi. Các thuốc kháng sinh có chức năng diệt virus, vi khuẩn nên được cân nhắc dùng theo hướng dẫn của bác sĩ khi điều trị chứng tức ngực.
Viêm phổi
Khi mắc bệnh viêm phổi, túi khí trong phổi bị viêm gây ứ dịch hoặc mủ. Viêm phổi có thể do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm. Trong một báo cáo chẩn đoán các triệu chứng viêm phổi, Hiệp hội phổi Mỹ cho biết đau và căng tức lồng ngực là một trong những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm phổi. Người bệnh có thể bị sốt và ớn lạnh, ho, đờm có màu khác thường (xanh lục, vàng hoặc có kèm máu), khó thở. Điều trị viêm phổi tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng, tuổi tác, sức khỏe tổng thể của người bệnh. Nếu viêm phổi do vi khuẩn gây ra, bệnh nhân có thể được bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh.
Một số cách tự nhiên được các chuyên gia y tế khuyến nghị giúp làm dịu triệu chứng do viêm phổi như xông hơi đường hô hấp đẩy chất nhầy ra ngoài, trang bị máy tạo độ ẩm, tắm vòi sen nước ấm, tránh các nguồn gây kích ứng hệ hô hấp, nghỉ ngơi. Người bệnh nên đi khám nếu bị đau ngực kèm khó thở, xanh môi và đầu ngón tay, sốt cao. Bệnh viêm phổi có thể đe dọa tính mạng với bệnh nhi từ 2 tuổi trở xuống, người cao tuổi trên 65 tuổi, người có hệ miễn dịch kém, thể trạng yếu.
Covid-19
Bệnh nhân mắc Covid-19 thường gặp phải các triệu chứng sốt, ho khan, sổ mũi, nghẹt mũi, mất vị giác, khó thở và cả tức ngực. Theo CDC, người bệnh nên tìm trợ giúp y tế sớm nếu các triệu chứng bệnh lý có kèm tức ngực và khó thở, môi xanh, thiếu tỉnh táo. Kể từ khi các triệu chứng xuất hiện, người bệnh nên được điều càng sớm càng ít để lại di chứng. Tức ngực có thể là một di chứng kéo dài hậu Covid-19 ở một số bệnh nhân.
Bệnh hen suyễn
Người bị hen suyễn khi tiếp xúc với các chất kích thích hoặc chất gây dị ứng phổi có thể khiến đường thở bị co thắt và thu hẹp, dẫn đến tức và đau ngực, ép lồng ngực. Các triệu chứng liên quan khác của bệnh hen suyễn như khó thở, thở khò khè, ho. Bạn có thể chủ động tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen suyễn bằng cách che chắn cho đường thở, giữ môi trường sinh hoạt sạch thoáng và dùng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Khó thở do đường thở bị co thắt là triệu chứng chính của COPD nhưng bệnh nhân có thể cảm thấy tức ngực hoặc cảm nhận có dị vật quấn quanh ngực ngay cả lúc nghỉ ngơi. Người bệnh cũng có thể ho ra đờm. Bệnh lý COPD do phổi và đường hô hấp bị tổn thương gây ra từ quá trình tiếp xúc lâu dài với môi trường không khí gây hại cho đường hô hấp như hít khói thuốc lá, ô nhiễm không khí hoặc hít phải khói hóa chất. Sử dụng một số thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng theo hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp với trang bị máy phun sương trong không gian sống là một số giải pháp giúp dịu chứng tức ngực do COPD.
Tăng huyết áp động mạch phổi
Tăng áp động mạch phổi (PH) là bệnh lý tiến triển. Các động mạch dẫn máu từ tim đến phổi bị hẹp bởi một số nguyên nhân như: dị tật bẩm sinh, cục máu đông trong phổi, bệnh tim, HIV, bệnh về phổi, khó thở khi ngủ. Các triệu chứng của bệnh PH có thể xảy đến khi bạn đang đi bộ lên cầu thang, khó thở khi vận động, chóng mặt, tức ngực khi căng thẳng ảnh hưởng đến tim, sưng chân, mắt cá chân, môi hoặc da xanh xao. Để kiểm soát bệnh lý, người bệnh có thể thăm khám, uống thuốc theo hướng dẫn của các bác sĩ. Một số thuốc người bệnh PH sẽ dùng như thuốc hỗ trợ giảm huyết áp, thuốc lợi tiểu để loại bỏ các chất lỏng thừa giúp giảm áp lực lên tim...
Viêm màng phổi
Người bệnh bị viêm màng phổi do cơ thể bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, bị ung thư (phổi, hạch và vùng trung tiểu mô), chấn thương vùng ngực, cục máu đông trong phổi, viêm khớp dạng thấp, lupus. Các triệu chứng của viêm màng phổi gồm: đau đột ngột, đau nhói ở ngực khi thở, đau khi ho hoặc thở sâu, tức ngực liên tục. Bệnh nhân cũng có thể bị khó thở, sốt, nhức mỏi cơ thể. Bằng cách loại bỏ nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus, chứng viêm màng phổi có thể được kiểm soát tốt. Nếu phát hiện các triệu chứng do viêm màng phổi gây ra, bạn nên đi khám sớm.
Tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi (hay còn gọi là chứng xẹp phổi) xảy ra khi có một lỗ trong phổi khiến không khí thoát ra ngoài, lấp đầy không gian giữa phổi, thành ngực. Không khí bị kẹt gây áp lực lên phổi khiến bệnh nhân khó thở, nghẽn, tức ngực đột ngột. Người bệnh có thể bị đau tức ngực nhiều dần khi ho hoặc hít thở sâu. Nhịp tim lúc này cũng nhanh hơn khiến người bệnh dễ mệt và da xanh xao do thiếu oxy. Tràn khí màng phổi có thể do chấn thương ngực, áp lực quá lớn lên phổi hoặc do bệnh lý: COPD, hen suyễn, xơ nang, bệnh lao. Phổi xẹp nhẹ có thể tự khỏi sau vài tuần. Trường hợp nặng, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa hô hấp để được tư vấn, điều trị hoặc phẫu thuật kịp thời.
Thuyên tắc phổi
Bệnh lý có thể gây hạ oxy trong máu, nguy hiểm cho chức năng phổi và các cơ quan khác. Bệnh nhân có thể bị khó thở đột ngột, đau, tức ngực nhiều hơn trong khi thở, chóng mặt hoặc ngất xỉu, nhịp tim bất thường, ho ra máu, đổ mồ hôi, huyết áp thấp. Đây là chứng nghẽn đột ngột của động mạch trong phổi, thường do cục máu đông hình thành nơi khác, di chuyển đến động mạch. Người bệnh nên cân nhắc các yếu tố nguy cơ gồm: tiền sử gia đình có người từng bị rối loạn đông máu, bị chấn thương vùng chân, từng phẫu thuật chỉnh hình, bị hạn chế khả năng vận động (như lúc nằm nghỉ trên giường, đi máy bay đường dài...), người cao tuổi, bệnh nhân ung thư, mẹ bầu, người bệnh béo phì hoặc suy tĩnh mạch, người đang chăm sóc y tế (suy tim, COPD, huyết áp cao, đột quỵ).
Khi người bệnh bị đau tức ngực kèm theo một trong số các dấu hiệu: cảm giác bỏng rát vùng ngực; đổ mồ hôi lạnh; cảm giác đè nặng lên ngực; khó thở; buồn nôn; đau lan đến hàm, bả vai hoặc cánh tay trái; khó thở sau khi dừng vận động nên được cấp cứu y tế.
Mai Trinh (Theo Very Well Health)