Ung thư mô mỡ (u sarcoma mỡ) sau phúc mạc xảy ra ở lớp màng kín che phủ mặt trong thành bụng. Phúc mạc bao bọc toàn bộ các tạng thuộc ống tiêu hóa và các cơ quan khác nằm trong ổ bụng.
Trong 7 năm, u tái phát chèn ép cơ quan phủ tạng, ông Nguyễn Đình Tuy phải mổ thêm 5 lần nữa. Đầu tháng 1, ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám.
Ngày 9/1, PGS.TS Triệu Triều Dương, Giám đốc khối Ngoại, cho biết khối u mỡ xuất phát từ hạ sườn bên trái và hố thận trái bệnh nhân, phát triển khắp nơi bao gồm hạ sườn bên phải, mặt sau dạ dày, vùng tiểu khung...
Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy 8 u ở 8 vị trí khác nhau. Mỗi u có kích thước, tình trạng xâm lấn các cấu trúc liên quan khác nhau, cần chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ để xác định giới hạn khối u, ranh giới với động mạch chủ để bác sĩ điều trị phù hợp.
Người bệnh được phẫu thuật lần thứ 6, cắt bỏ khối u. Quá trình mổ, bên cạnh 8 u nhìn thấy trên phim, ê kíp phát hiện thêm khối u thứ 9. Khối u này do chồng hình nên nhìn không rõ qua ảnh chụp chiếu.
Trong khoảng 10 tiếng đồng hồ phẫu thuật, ê kíp bác sĩ bóc 9 u mỡ, với khối u to nhất kích thước khoảng 6,2x7,6 cm. Kíp mổ gỡ dính toàn bộ các quai ruột, cắt bỏ đoạn đại tràng, ruột thừa, lách kèm theo do u xâm lấn, nối đoạn đại tràng. Nhiều khối u tái phát khiến diện bóc tách và cắt sau phúc mạc rộng hơn, tăng nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật.
Hậu phẫu, ông Tuy được truyền chất dinh dưỡng qua tĩnh mạch. Sau ba ngày, ông ăn được thức ăn loãng và xuất viện 7 ngày sau đó.
U sarcoma mỡ là loại ung thư ít gặp phát triển từ tế bào mỡ trong mô mềm sâu, chiếm khoảng 1% trong các loại ung thư ở người lớn và 12% các loại ung thư ở trẻ em. Ông Tuy mắc u sarcoma mỡ thể đa hình (Pleomorphic Liposarcoma) là một trong 5 phân nhóm u sarcoma mỡ có độ ác tính cao nhất, chiếm 5% tổng số sarcoma mỡ, tương đương tỷ lệ 0,05%.
Ung thư mô mỡ thường xuất hiện ở khu vực mỡ sâu, bên trong đùi, kích thước lớn, có nhiều khối u nhỏ vệ tinh xung quanh. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi 50-65 tuổi, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm hội chứng di truyền, tiếp xúc với bức xạ, một số hóa chất hoặc hệ thống bạch huyết bị tổn thương.
Triệu chứng rõ rệt khi khối u đủ lớn để chèn ép các cơ quan xung quanh, bao gồm chướng bụng, đau bụng, xuất huyết tiêu hóa, nôn, sụt cân...
Theo phó giáo sư Dương, các khối u tái phát thường lan rộng, phát triển nhanh, ở những vị trí nguy hiểm, mức độ khó tăng lên với trường hợp phẫu thuật nhiều lần. U mỡ cần cắt diện rộng, loại bỏ hoàn toàn u và phần tạng dính vào. Đến nay, phương pháp điều trị tối ưu vẫn là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn, triệt để khối u cùng cơ quan xâm lấn.
"Cắt bỏ hoàn toàn khối u là thách thức đối với kíp mổ vì không dễ phân biệt với các tổ chức xung quanh", phó giáo sư Dương nói, thêm rằng quá trình phẫu thuật đòi hỏi bác sĩ giàu kinh nghiệm mới có thể tìm và bóc được hết các khối u trong một lần mổ, giảm tỷ lệ tái phát, hạn chế lần mổ tiếp theo cho người bệnh.
Khối u mỡ ít đáp ứng hóa trị, xạ trị, tỷ lệ tái phát tại chỗ khoảng 30-50% và di căn xa 50%. Người bệnh cần tái khám định kỳ để kịp thời phát hiện u tái phát.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |