Hôi miệng là vấn đề sức khỏe răng miệng phổ biến, thường liên quan đến thực phẩm tiêu thụ, nhất là các loại có mùi nồng như hành, tỏi. Mùi hơi thở cũng có liên quan đến thói quen vệ sinh răng miệng. Người không thường xuyên đánh răng, ít dùng chỉ nha khoa thì thức ăn còn sót lại trong miệng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài khiến nướu viêm nhiễm, gây mùi khó chịu. Hơi thở nặng mùi có thể tạm thời hoặc mạn tính, song có một số cách đơn giản giúp phòng ngừa.
Giữ vệ sinh răng miệng: Đánh răng ít nhất hai lần trong một ngày bằng kem đánh răng có fluoride và dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn. Điều này giúp loại bỏ các mảnh vụn thức ăn cùng mảng bám, là những tác nhân có thể gây hôi miệng.
Làm sạch lưỡi thường xuyên: Trong khi đánh răng, hãy dùng dụng cụ cạo lưỡi để làm sạch lưỡi nhẹ nhàng. Vi khuẩn tích tụ ở các kẽ răng và trên bề mặt lưỡi cũng dẫn đến hơi thở nặng mùi.
Uống đủ nước: Cung cấp nước cho cơ thể suốt cả ngày không chỉ thúc đẩy hoạt động của nhiều cơ quan mà còn rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Nước giúp giữ ẩm cho miệng, tăng tiết nước bọt để làm sạch mảnh vụn thức ăn, vi khuẩn. Thói quen này cũng ngăn ngừa khô miệng - nguyên nhân phổ biến khiến hơi thở có mùi.
Nhai kẹo cao su hoặc kẹo bạc hà không đường sau khi ăn: Cách này có thể giảm mùi khó chịu từ đồ ăn, thức uống có mùi nồng. Chúng kích thích sản xuất nước bọt, làm sạch miệng và mang lại hơi thở thơm mát. Ưu tiên những sản phẩm có chứa xylitol - hợp chất có vai trò ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
Ăn trái cây, rau củ: Đây là một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh để duy trì sức khỏe. Ăn nhẹ với các loại giòn như cà rốt, cần tây, táo chứa nhiều nước, giúp tăng lượng nước bọt cũng làm sạch răng và giảm nguy cơ hôi miệng.
Hạn chế thực phẩm có mùi nồng: Sau khi ăn tỏi, hành, các món cay, mùi hôi có thể đọng lại trong miệng. Trong quá trình tiêu hóa những thực phẩm này, các hợp chất phụ được hấp thụ vào máu và đưa đến phổi, khiến hơi thở có mùi.
Dùng nước súc miệng: Súc miệng bằng nước súc miệng kháng khuẩn hoặc chứa các thành phần như chlorhexidine, cetylpyridinium clorua, tinh dầu cũng mang lại lợi ích. Những sản phẩm này làm giảm vi khuẩn trong miệng, cho hơi thở thơm mát.
Bỏ thuốc lá: Các sản phẩm thuốc lá có thể gây hôi miệng dai dẳng, ố răng, kích ứng các mô nướu. Bỏ hút thuốc để cải thiện đáng kể hơi thở có mùi và sức khỏe răng miệng tổng thể.
Uống trà xanh: Trà xanh chứa polyphenol có đặc tính kháng khuẩn, làm giảm sự phát triển của vi khuẩn gây mùi trong miệng. Uống trà xanh hai lần một ngày có thể đem lại tác dụng.
Nếu hơi mùi hôi trong miệng vẫn kéo dài dù thường xuyên thực hiện các biện pháp trên thì đó có thể là vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Mắc bệnh tiểu đường, nhiễm trùng đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, bệnh gan hoặc thận, nướu răng (viêm nha chu), sâu răng đều gây mùi hơi thở.
Bảo Bảo (Theo Health Shots)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |