Hít thở là quá trình phối hợp nhịp nhàng giữa hít không khí (oxy) vào và thở ra carbon dioxide (CO2) từ phổi. Sự trao đổi này được gọi là hô hấp, rất quan trọng đối với chức năng tế bào, sản xuất năng lượng. Mặc dù đây là quá trình tự nhiên của cơ thể, nhưng đôi khi một số kiểu thở xấu ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thở bằng miệng
Thở bằng mũi giúp lọc, làm ấm và ẩm không khí trước khi đến phổi. Thở qua đường miệng, nhất là vào ban đêm có nguy cơ dẫn đến khô miệng, đau họng, hôi miệng, tăng khả năng nhiễm trùng. Theo thời gian, thở bằng miệng cũng góp phần gây ra các vấn đề về răng, khó ngủ, thậm chí thay đổi cấu trúc trên khuôn mặt, đặc biệt là ở trẻ em.
Thở nông
Một số người có thói quen hít thở nông khiến cơ hoành không hoạt động hoàn toàn. Cơ hoành là phần vách ngăn phân chia giữa ổ bụng và lồng ngực, có vai trò rất quan trọng trong quá trình hô hấp.
Thở nông thường làm giảm lượng oxy nạp vào và trao đổi khí kém. Điều này có thể dẫn đến mệt mỏi, tăng mức độ căng thẳng, kém tập trung. Mỗi người nên tập hít thở bằng cơ hoành, hít thật sâu để bụng phồng lên, xẹp xuống khi thở ra. Nhờ đó oxy đi vào máu nhiều hơn, thúc đẩy sự thư giãn cũng như chức năng sinh lý tốt hơn.
Thở bằng ngực
Thở bằng ngực tương tự như thở nông làm hạn chế lượng không khí đến phổi dưới. Kiểu thở không hiệu quả này có thể khiến thiếu oxy trong cơ thể, góp phần dẫn đến căng thẳng, lo lắng. Theo thời gian, thở bằng ngực có nguy cơ làm tăng căng thẳng ở vai và cổ, đau đầu, ho, tức ngực và khó thở.
Thở quá mức
Tăng thông khí là tình trạng thở quá mức hoặc quá nhanh, sâu làm phá vỡ sự cân bằng oxy và CO2 trong máu. Tình trạng trạng này thường xảy ra khi căng thẳng, lo lắng hoặc hoảng sợ nhưng nếu lặp lại thường xuyên sẽ thành thói quen. Sự mất cân bằng giữa hít và thở có thể dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, khó thở, ngứa ran ở tứ chi, cánh tay, quanh miệng.
Nín thở
Nín thở dù có ý thức hay vô thức đều tiềm ẩn mối nguy hại với sức khỏe. Tình trạng này thường xảy ra trong những lúc tập trung cao độ, căng thẳng. Nín thở có thể dẫn đến tăng nồng độ carbon dioxide trong máu, gây chóng mặt, đau đầu, căng thẳng cao độ. Trên thực tế, nếu giữ hơi thở quá lâu khiến tim đập không đều và gây ra các vấn đề về thận, gan.
Để giảm tác hại từ những cách thở trên, mỗi người nên thực hành các thói quen thở lành mạnh như sau:
Tập thở cơ hoành: Đặt một tay lên ngực và tay kia lên bụng. Khi hít vào, bụng phồng lên nhiều hơn ngực, chuyển động. Hít vào bằng mũi, nâng cơ hoành lên sao cho không khí đi vào bụng nhiều nhất có thể. Mím chặt môi và thở ra, hạ cơ hoành xuống vị trí ban đầu.
Thở bằng mũi: Cố gắng thở bằng mũi càng nhiều càng tốt, nhờ đó thúc đẩy kiểu thở chậm và có kiểm soát hơn, giúp giảm căng thẳng, cải thiện quá trình trao đổi oxy.
Kỹ thuật chánh niệm và thư giãn: Tham gia các hoạt động như yoga, thiền hoặc thái cực quyền thiên về các kỹ thuật thở thích hợp để giảm căng thẳng và cải thiện kiểu thở.
Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất có tác dụng tăng dung tích phổi, thúc đẩy quá trình thở hiệu quả. Các bài tập aerobic khuyến khích thở sâu tự nhiên.
Bảo Bảo (Theo Health Shots)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |