Cảm xúc giận dữ thường gặp ở trẻ nhỏ vừa biết đi từ 1 đến 3 tuổi và có thể kéo dài đến khi bé 4 tuổi. Theo tài liệu nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bé bị đói bụng và mệt mỏi thường dễ có phản ứng giận dữ. Đây là phản ứng tự nhiên của các em bé.
Trẻ nóng giận thường thể hiện cảm xúc bằng hành động như: khóc, giậm chân, la hét, đánh phụ huynh hoặc đá chân. Các mẹo sau giúp phụ huynh nhận biết và hỗ trợ điều hòa cảm xúc cho con, giúp hạn chế nóng giận và dạy cho trẻ cách bình tĩnh trong mọi tình huống.
Trò chuyện về kế hoạch sắp thực hiện
Ba mẹ nên trò chuyện trước với con nếu định cùng con đi mua sắm, khám sức khỏe hoặc dự thay đổi thói quen sinh hoạt của bé. Ban đầu, bé có thể không thích sự thay đổi, nhưng điều này giúp con chuẩn bị sẵn sàng cho những gì sắp diễn ra.
Phụ huynh cũng có thể truyền đạt những kỳ vọng của mình với trẻ. Ví dụ, nếu bạn đang đi mua sắm, hãy giải thích theo khả năng hiểu biết của con những gì bạn định mua và kế hoạch sau khi mua sắm. Bạn cũng có thể khuyến khích trẻ mang theo một món đồ chơi từ nhà để chơi trong suốt quá trình đi ra ngoài. Như vậy, trẻ sẽ dần quen với những hoạt động mới cùng người thân.
Khen ngợi con
Chủ động khen ngợi trẻ khi bé thực hiện đúng một hành vi mà không đợi bạn phải dạy cũng là một trong các cách khích lệ sự tự tin và tạo niềm vui cho con.
Dạy trẻ sinh hoạt độc lập
Có nhiều hoạt động tại nhà ba mẹ có thể dần để bé tự chủ động thực hiện khi có người lớn cạnh bên như: tự mặc quần áo mà bé ưa thích, chọn uống nước trong cốc bé muốn dùng, chọn bút màu khi tô tranh... Bé sẽ dần biết đưa ra quyết định của riêng mình và ba mẹ cũng giúp con phát triển sự tự tin vào bản thân mình.
Không để trẻ và bản thân bị đói
Giống như người lớn, trẻ cũng biết đói và thường quấy khóc khi đói. Bạn có thể mang theo đồ ăn nhẹ khi cùng trẻ vội ra ngoài. Khi có kế hoạch ăn bên ngoài, ba mẹ lưu ý thời gian chờ đợi món ăn và chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho con.
Phụ huynh cũng nên đảm bảo bản thân ở trạng thái tốt nhất khi sinh hoạt cùng trẻ. Bạn có thể nhờ trợ giúp từ người thân nếu bận rộn.
Không quan tâm khi trẻ quấy
Khi không may trẻ bị nóng giận, ba mẹ hãy phớt lờ cơn giận dữ của bé cho đến khi con dừng quấy. Phụ huynh được khuyến khích không nên tranh luận hay chiều chuộng và làm theo ý trẻ. Bạn im lặng, bé sẽ hiểu là bạn sẽ không tranh cãi.
Bế trẻ khỏi nơi có thể gây nguy hiểm
Nếu bé đang đi trên đường phố đông đúc xe cộ và bỗng nóng giận, ba mẹ nên lưu ý và bế con đến nơi khác, đợi bé dừng giận dỗi.
Thực hiện phương pháp "hết giờ"
Để trẻ trong một không gian an toàn, yên tĩnh (nơi bạn có thể theo dõi con) trong một lúc cũng là cách giúp con dịu tính khí. Khoảng thời gian được khuyến nghị giúp con bớt quấy là một phút cho mỗi năm tuổi của bé (ví dụ, bé 3 tuổi nên ngồi trong thời gian chờ không quá ba phút). Bạn không tham gia trò chuyện với con hoặc hoạt động trong thời gian chờ.
Chuyển hướng sự chú ý của con
Phụ huynh cũng có thể chuyển hướng sự chú ý của trẻ khi phát hiện một tình huống ngoài ý muốn trẻ có thể sẽ khiến con khó chịu. Ví dụ, nếu trẻ từng nhặt đá trên đường và ném chơi, lần sau, bạn có thể cùng trẻ đi đường khác hoặc hướng trẻ về phía bông hoa, chim chóc trên đường rồi ca hát.
Lưu ý nhịp sinh hoạt trong ngày của trẻ
Ba mẹ cũng có thể nhận biết ngưỡng chịu đựng của con, như cùng trẻ đi chơi buổi sáng vì có thể trẻ dễ bị mệt mỏi và dễ quấy hơn vào giấc chiều.
Kiểm tra sức khỏe cho trẻ
Nếu bạn mất kiểm soát, có cảm xúc tiêu cực với con hoặc không thấy sự cải thiện trong hành vi của trẻ, bạn có thể trò chuyện với bác sĩ nhi khoa; đưa con đi khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra thính giác, thị lực, các mốc phát triển ngôn ngữ, khả năng học tập. Có thể trẻ bị đau ở đâu đó trên người và chưa biết cách thể hiện bằng lời nói đến người lớn.
Mai Trinh (Theo Family Doctor)