Khoa Ngoại Nhi BVĐK Tâm Anh TP HCM vừa tiếp nhận bé trai Minh Hải (20 ngày tuổi, quận Phú Nhuận) với biểu hiện chảy mủ khu vực quanh rốn, sốt cao, quấy khóc, bỏ bú. Mẹ bé chia sẻ, sau khi Hải rụng rốn, xuất hiện một khối u hạt ở dưới chân rốn. Một tuần sau, khối u không hết, rỉ dịch vàng, gây kích ứng vùng da xung quanh, gia đình đưa bé đến bệnh viện.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, Bác sĩ Ngoại tim mạch - Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ: "Bé Hải mắc một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, là u hạt rốn, khối u có dấu hiệu nhiễm trùng. Tuy u hạt rốn là bệnh lành tính, không gây đau hay khó chịu nhưng khi có dấu hiệu viêm nhiễm sẽ khiến trẻ bị sốt, quấy khóc do sưng đau vùng rốn. Nếu không điều trị sớm, tình trạng nhiễm trùng có thể lây lan nhanh chóng".
Bé được hướng dẫn chăm sóc tại chỗ vùng rốn, rửa sạch sẽ mỗi ngày, chấm thuốc bạc cho khối u hạt nhỏ dần. Vì khối u khá to nên bé được thăm khám, chấm thuốc trong một tuần. Sau thời gian này, khối u hạt hoàn toàn biến mất. Rốn khô sạch, Hải hoàn toàn khỏe mạnh. "Với những trường hợp khối u hạt to, chiếm gần hết diện tích rốn chân cuống u hạt rộng, bác sĩ cần can thiệp đốt điện hoặc cột chỉ khối u hạt cho rụng kèm kết hợp chấm thuốc bạc", bác sĩ Trọng cho biết.
Còn Ngọc Như (24 tháng tuổi, Bình Dương) đến khám trong tình trạng vùng rốn có hiện tượng chảy nước vàng liên tục, quá trình rụng rốn bình thường. Bác sĩ sờ thấy rốn ướt liên tục. Kết hợp với siêu âm ổ bụng, bác sĩ kết luận bé bị tồn tại ống rốn - niệu - một bệnh lý về rốn ở trẻ sau sinh có thể kéo dài dai dẳng sau đến 2 tuổi. Bé có một ống từ rốn vào bàng quang, khiến nước tiểu liên tục rỉ ra chân rốn. Trẻ có nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu, áp xe ống rốn niệu này.
Nhờ phát hiện sớm, bé Như được can thiệp phẫu thuật kịp thời để khoét bỏ ống niệu rốn. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, giúp ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng rốn, rỉ nước tiểu ở rốn... Bệnh nhi ăn uống, sinh hoạt bình thường chỉ vài giờ sau mổ, đủ điều kiện về nhà vào ngày hôm sau.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng thông tin, một bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh là thoát vị rốn, nguyên do là vòng rốn không kín. Một khối phồng (thường là ruột) trồi to lên khi trẻ ho, khóc, rặn. Khối thoát vị chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ, ít nguy cơ nghẹt. Nếu thoát vị rốn còn tồn tại sau 2 tuổi, trẻ mới cần can thiệp phẫu thuật khâu phục hồi thành bụng điều trị thoát vị rốn.
Trong 2 tháng gần đây, khoa khoa Ngoại - Nhi BVĐK Tâm Anh TP HCM tiếp nhận, điều trị cho nhiều trẻ sơ sinh bị bệnh lý về rốn cần can thiệp phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa. Ngoài u hạt rốn, tồn tại ống rốn niệu, trẻ còn bị bệnh lý tồn tại ống rốn ruột, áp xe rốn, chảy máu rốn, thoát vị rốn....
U hạt rốn thường xảy ra ở những trẻ chậm rụng rốn, vì đây là điều kiện thuận lợi để u hạt phát triển. Sau khi cắt dây rốn, một phần nhỏ cuống rốn vẫn còn trên bụng bé. Thông thường, cuống rốn sẽ tự rụng, lành mà không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên trong một số trường hợp, u hạt ở rốn sẽ hình thành ở chỗ cuống rốn bị rụng. Khoảng 1/500 trẻ sơ sinh bị u hạt rốn. Nếu không cắt bỏ sớm, những u này sẽ tiếp tục phát triển, dễ dàng bị nhiễm trùng.
Trong khi đó, trẻ có thể bị bệnh lý tồn tại ống rốn niệu khi ống này không tự đóng lại, xơ hóa thành dây chằng rốn - bàng quang. Vì thế, một phần hoặc toàn bộ ống rốn niệu vẫn tồn tại, tạo nên sự thông thương giữa bàng quang và rốn. Bệnh nếu để lâu không can thiệp sẽ gây biến chứng rỉ nước tiểu ở rốn, nhiễm trùng rốn. Một số thương tổn của ống rốn niệu còn có thể phát triển thành ác tính.
Tương tự như tồn tại ống rốn niệu, bệnh lý tại ống rốn - ruột là do ống ruột không đóng lại, hình thành nên ống thông từ rốn tới ruột. Như vậy, trong lòng ống này có chứa dịch tiêu hóa, các thành phần thức ăn, vi khuẩn... dễ gây viêm nhiễm vùng rốn. Ngoài ra, bệnh còn gây mất thẩm mỹ rốn.
Phương pháp điều trị chỉ định cho các trường hợp trên là phẫu thuật. "Trẻ sơ sinh bị u hạt rốn sẽ được mổ để loại bỏ khối, ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng. Ở những trẻ bị tồn tại ống rốn niệu, bác sĩ mở bụng, khoét toàn bộ nang niệu rốn. Với tồn tại ống rốn ruột, chúng tôi điều trị triệt để loại dị tật này bằng cách phẫu thuật bên trong ổ bụng, cắt bỏ hoàn toàn đoạn ống rốn ruột, sau đó khâu kín thành ruột, tạo hình thành rốn", bác sĩ Trọng cho hay.
Sau ca phẫu thuật điều trị bệnh lý về rốn, bố mẹ cần giữ vệ sinh vùng rốn của trẻ để tránh nhiễm trùng. Bé có thể nhẹ nhàng lau khu vực này bằng xà phòng và nước ấm, không tự ý bôi các loại dung dịch không được bác sĩ kê đơn lên rốn trẻ. Đồng thời, gia đình tránh cho trẻ mặc quần áo bó sát vùng rốn kẻo khiến vết mổ lâu lành hơn. Nếu rốn xuất hiện những dấu hiệu: rốn rỉ dịch hôi, có mủ, chảy máu, da quanh rốn đỏ, sưng, sau rụng rốn rỉ dịch kéo dài hoặc chậm rụng rốn cần đưa trẻ đi khám ngay.
Thu Hà
Với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị, khoa Ngoại Nhi - Ngoại Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh điều trị thành công các bệnh lý ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như: bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý vùng rốn, bệnh lý ống bẹn ở trẻ em, hẹp bao quy đầu ở trẻ, dư ngón, chai mắt cá chân, nang giáp móng, hạch vùng nách, cổ, sau vai sau khi chích ngừa vaccine lao, nang nhầy môi dưới, rò vùng cổ - ngực bẩm sinh, dính thắng lưỡi, ngón tay cò súng, nang hoạt mạc ở khoeo tay, khoeo chân, cổ tay, bướu máu, kén mô mềm, các u vùng mặt kích thước nhỏ, mụn nhọt vùng hậu môn... cũng như các bệnh Ngoại khoa khác ở trẻ em. Bác sĩ ưu tiên lựa chọn phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, giúp trẻ xuất viện sớm và giảm nguy cơ tái phát.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên
Hotline: 1800 6858 - 024 7106 6858TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình
Hotline: 028 7300 6858 - 028 7102 6789
Website: tamanhhospital.vn