Trẻ thường thay đổi hành động, cách giao tiếp theo từng độ tuổi. Ở từng giai đoạn, trẻ có thể có những hành vi khác lạ, phá vỡ quy tắc. Đôi khi đó là cách trẻ khám phá bản thân, cuộc sống, nhưng trong một số trường hợp, phá vỡ quy tắc có thể là hành vi bất thường của trẻ. Cha mẹ có thể căn cứ vào những dấu hiệu cảnh báo dưới đây để đánh giáx! hành vi nào là nghiêm trọng, hành vi nào của trẻ chưa thực sự phù hợp.
Khó quản lý cảm xúc: khó quản lý cảm xúc, la hét, dùng vũ lực với bạn có thể dễ hiểu, tạm chấp nhận nếu trẻ ở độ tuổi mầm non (2-6) tuổi. Trẻ lớn hơn khả năng kiểm soát cảm xúc sẽ tốt hơn. Do đó, khi con bạn vào lớp 1 hoặc lớn hơn nhưng không thể kiểm soát sự tức giận, bực bội, thất vọng của mình theo cách phù hợp với lứa tuổi, chúng có thể có một vấn đề cảm xúc tiềm ẩn.
Hung dữ hơn sau khi đi học: những đứa trẻ trở nên hung dữ sau khi bắt đầu đi học, hoặc những đứa trẻ hay cãi lại giáo viên khi còn ở tuổi vị thành niên, cần được giúp đỡ để phát triển các kỹ năng giao tiếp ứng xử tốt hơn.
Không đáp ứng kỷ luật: việc trẻ em thỉnh thoảng lặp lại sai lầm của mình là điều bình thường. Hành động này của trẻ nhằm hướng đến việc xem liệu cha mẹ có chiều theo mình hay không. Tuy nhiên, việc con bạn lặp đi lặp lại những hành vi không đúng kỷ luật dù được nhắc nhở nhiều lần, thậm chí người lớn đã áp dụng hình phạt là điều không bình thường. Trẻ thường xuyên có hành vi sai trái, bất kể hậu quả như thế nào, có thể con đang gặp phải một vấn đề đó là chứng rối loạn bất chấp chống đối.
Hành vi cản trở học đường: hành vi cản trở học đường bao gồm các hành động như chống đối, không hợp tác với giáo viên, không chú ý nghe giảng, chọc phá bạn bè, giáo viên. Thậm chí, nhà trường liên tục phàn nàn rằng trẻ hay bị đuổi khỏi lớp, đánh nhau vào giờ giải lao, không hoàn thành nhiệm vụ đều là những dấu hiệu cảnh báo tiềm ẩn của hành vi cản trở học đường. Nếu trẻ thường xuyên có những hành vi này, con bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn hành vi tiềm ẩn hoặc khuyết tật học hành.
Gặp rắc rối khi tương tác xã hội: trẻ luôn cảm thấy bị cản trở, khó khăn trong việc tương tác xã hội, đây có thể là dấu hiệu đáng lo ngại của hành vi bất thường. Theo từng độ tuổi, trẻ sẽ có cách thích nghi riêng, khả năng phát triển và duy trì mối quan hệ lành mạnh với bạn bè cũng khác.
Hành vi tình dục: một trong những dấu hiệu khác của hành vi bất thường ở trẻ là hành vi tình dục không phù hợp với sự phát triển độ tuổi. Hành vi này xảy ra thường là do trẻ tiếp xúc với chấn thương hoặc lạm dụng tình dục. Trẻ em tò mò về giới tính và muốn biết trẻ sơ sinh đến từ đâu là điều bình thường, nhưng khi chúng có những thắc mắc chuyên sâu, vượt quá độ tuổi, cha mẹ nên lưu ý.
Làm hại bản thân: hành động tự gây thương tích, làm hại bản thân của trẻ dù nhẹ hay nặng cũng cần phải chú ý. Đập đầu, tự đốt hoặc tự cắt mình là tất cả các hành vi cần được đánh giá bởi chuyên gia sức khỏe tâm thần. Trẻ hay nhắc đến câu chuyện tự tử cũng là một cách làm hại bản thân khác cần được quan tâm theo dõi.
Anh Chi (Theo Very Well Family)