Các túi thừa trong ruột già bị viêm nhiễm có thể gây đau đớn và dẫn đến các biến chứng. Dưới đây là 6 cách giúp cải thiện tình trạng viêm túi thừa tại nhà theo Medical News Today.
Ăn lỏng
Người đang trải qua một đợt bùng phát các triệu chứng viêm túi thừa nên ăn lỏng để tránh làm tổn thương thêm. Một số thực phẩm và đồ uống mà bạn có thể chuẩn bị tại nhà như cà phê, trà không sữa, nước ép trái cây (nho, táo), kem, nước ngọt. Bạn có thể uống nước dùng (gà, bò) nhằm hạn chế tình trạng viêm nặng hơn. Người bệnh nên áp dụng chế độ ăn uống lỏng theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo dinh dưỡng. Khi các triệu chứng thuyên giảm, bạn có thể ăn các thức ăn rắn.
Ăn ít chất xơ
Chế độ ăn ít chất xơ như rau củ nấu chín kỹ, trứng, các sản phẩm từ sữa... giúp giảm bớt các triệu chứng viêm túi thừa. Bánh mì trắng, mì ống và gạo trắng, thịt xay nấu chín kỹ hay ngũ cốc ít chất xơ là những thực phẩm người viêm túi thừa nên đưa vào chế độ ăn.
Các triệu chứng viêm túi thừa thường thuyên giảm trong khoảng 2-4 ngày, sau đó, bạn có thể bổ sung dần lượng nhỏ chất xơ trở lại. Nếu triệu chứng bệnh không bùng phát, bạn nên bổ sung chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày và uống đủ nước để ngăn ngừa táo bón. Bởi táo bón có thể gây phình trong ruột già, làm tăng khả năng hình thành túi.
Một số thực phẩm giàu chất xơ như rau (khoai tây, bắp cải, bí), trái cây như táo, lê, bơ và chuối, ngũ cốc (bánh mì nguyên cám, gạo, yến mạch, lúa mạch), các loại đậu (đậu xanh, đậu lăng, đậu Hà Lan).
Thêm vitamin D
Theo nghiên cứu của Mỹ, những người có mức vitamin D thấp hơn có nhiều nguy cơ bị viêm túi thừa và các biến chứng. Người bệnh nên bổ sung vitamin D vào chế độ ăn uống. Lượng vitamin D cho người lớn là 15 mcg mỗi ngày.
Thực phẩm giàu vitamin D như cá béo (cá ngừ, cá hồi, cá thu), gan bò, trứng, phô mai, nấm, ngũ cốc, sữa và bơ thực vật. Người bệnh cũng nên dùng thêm vitamin D tổng hợp. Ngoài vitamin D từ thực phẩm và thuốc, bạn có thể tăng hấp thụ vitamin D bằng cách phơi nắng vào buổi sáng.
Bổ sung men vi sinh
Men vi sinh giúp làm giảm các triệu chứng và tái phát của bệnh viêm túi thừa. Người bệnh có thể bổ sung men vi sinh, thực phẩm lên men có chứa lợi khuẩn. Một số thực phẩm lên men cho bệnh viêm túi thừa như sữa chua, dưa cải bắp, kim chi. Bạn có thể tiêu thụ men vi sinh hoặc thực phẩm lên men với một lượng nhỏ. Vì thực phẩm này có thể gây đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy.
Chườm nóng
Khi bị đau do viêm túi thừa, bạn có thể giảm đau bụng bằng cách chườm nóng, đắp nệm nhiệt, đặt túi nước ấm lên bụng... Để tránh bị bỏng, bạn nên đặt các thiết bị điện ở chế độ thấp và dùng nước ấm.
Tập thể dục
Tập thể dục giải phóng endorphin (chất giảm đau tự nhiên của cơ thể), giúp giảm đau do viêm túi thừa. Bài tập có tác động từ thấp đến trung bình có tác dụng chống viêm. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, người lớn nên tập thể dục cường độ trung bình ít nhất 2,5 giờ mỗi tuần, với các hình thức như đi bộ nhanh, khiêu vũ, đạp xe, quần vợt.
Dùng thảo dược
Các loại thảo dược có đặc tính chống viêm hoặc kháng khuẩn có lợi cho người bị viêm túi thừa. Bạn có thể dùng thảo dược như một loại thực phẩm hoặc như một chất bổ sung. Ví dụ nhũ hương (dạng viên nén hoặc cồn), tỏi, nghệ (dạng củ tươi, khô hoặc viên nén). Các biện pháp điều trị bằng thảo dược có thể tương tác thuốc, người bệnh hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
Các triệu chứng viêm túi thừa có thể đến đột ngột và gây đau. Đôi khi, gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tắc nghẽn ruột, áp xe hoặc thủng ruột kết, viêm phúc mạc. Nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn kèm sốt cao, nôn ói, phân có máu, máu chảy từ hậu môn, đau bung dữ dội, bạn nên đi khám ngay để tránh biến chứng nặng.
Mai Cát (Theo Medical News Today)