Chế độ ăn uống đóng vai trò thiết yếu trong kiểm soát bệnh tiểu đường. Một số thực phẩm có thể tác động đến mức insulin và đường huyết người bệnh khi tiêu thụ. Dưới đây là 6 thực phẩm có thể hỗ trợ ổn định insulin theo Medical News Today.
Rau không tinh bột
Các loại rau chứa tinh bột rất giàu carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu. Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ khuyến nghị, người tiểu đường nên chọn rau không tinh bột để ổn định insulin và tránh làm tăng đột biến đường huyết. Người bệnh nên ăn tối thiểu 3-5 phần loại rau này mỗi ngày (một phần khoảng một chén rau nấu chín). Một số rau không chứa tinh bột mà người tiểu đường nên bổ sung vào chế độ ăn uống như cà rốt, giá đỗ, bắp non, dưa leo, bí đao, cải bắp, rau xà lách, cải bó xôi.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt chứa cám và mầm hạt nên nhiều vitamin và khoáng chất, ít tinh bột hơn ngũ cốc tinh chế hoặc đã qua chế biến. Người bệnh có thể ăn ngũ cốc nguyên hạt hoặc các sản phẩm từ ngũ cốc này vào bữa ăn chính, làm đồ ăn nhẹ để kiểm soát đường huyết, giúp ổn định insulin. Các sản phẩm có thành phần từ ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì đen, bắp rang bơ, gạo lứt, mì ống, yến mạch hạt, bột yến mạch, bột ngô.
Thực phẩm giàu protein
Protein là chất dinh dưỡng có trong nhiều loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, các loại hạt và đậu. Chế độ ăn uống chứa quá nhiều protein động vật có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2. Nhưng chế độ ăn uống có nhiều protein thực vật lại làm giảm nguy cơ mắc bệnh này. Người tiểu đường nên ưu tiên những món ăn nhiều đạm nhưng ít mỡ động vật như cá (cá hồi, cá ngừ...), thịt gia cầm, các loại đậu, hạt, đậu phụ và các sản phẩm từ đậu nành.
Chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh là chất béo không bão hòa đơn hoặc không bão hòa đa, có lợi cho sức khỏe. Chất béo chuyển hóa và bão hòa làm tăng mức độ cholesterol xấu trong máu. Ăn nhiều chất béo lành mạnh hơn và ít chất béo chuyển hóa hay bão hòa giúp giảm mức cholesterol có hại, kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, qua đó ổn định insulin. Thực phẩm giàu chất béo không bão hòa như quả bơ, dầu ô liu, dầu dừa, các loại hạt như hướng dương, hạt bí, óc chó, hạnh nhân, hạt điều.
Cá béo
Cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá mòi, cá thu... có nhiều protein và axit béo omega-3. Hàm lượng protein trong các loại cá này không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Người bệnh tiểu đường nên thêm cá béo vào chế độ ăn uống ít nhất một ngày mỗi tuần. Bạn nên nướng, hấp hay nấu canh thay vì chiên cá để tránh chất béo chuyển hóa.
Cacao
Cacao chứa flavonoid epicatechin, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Theo nghiên cứu của Mỹ và Pakistan, cacao có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường type 2 và giảm tình trạng kháng insulin. Để thêm cacao vào chế độ ăn uống, bạn nên ăn chocolate đen nhưng chọn loại ít đường hoặc không đường để hạn chế làm lượng đường trong máu tăng đột biến. Người bệnh chỉ nên ăn 1-2 ô vuông nhỏ chocolate đen mỗi ngày.
Để tránh mức insulin và đường huyết tăng đột biến, người tiểu đường nên hạn chế đồ uống có đường (soda, nước trái cây, cà phê có đường...), thực phẩm chế sẵn, cơm trắng, bánh mì trắng, ngũ cốc có thêm đường, trái cây sấy khô có đường, mật ong...
Duy trì lượng insulin và đường huyết ổn định mang lại nhiều lợi ích như cải thiện tâm trạng, tăng mức năng lượng, cải thiện sức khỏe não và mạch máu. Quản lý đường huyết hiệu quả cũng làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng của tiểu đường như bệnh tim mạch, bệnh thận, tổn thương thần kinh, mù lòa, vết thương chậm lành, nhiễm trùng tái phát.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)