Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao) có xu hướng phát triển dần ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng nhẹ mà bạn có thể không nhận thấy. Một số người thậm chí không nhận ra các triệu chứng tăng đường huyết cho đến khi mắc bệnh nhiều năm.
Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu (glucose) tăng thường xuyên không nhất thiết khiến bạn gặp nguy hiểm ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu tăng đường huyết mạn tính có thể gây hại cho mạch máu, dẫn đến các vấn đề về mắt, tim, thận và bàn chân.
Triệu chứng thường gặp
Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp khi tăng đường huyết.
Khát quá mức: Điều chỉnh lượng đường trong máu phụ thuộc phần lớn vào thận. Với người bình thường, thận lọc glucose (đường) dư thừa ra khỏi máu và tái hấp thu nó để nước tiểu có ít hoặc không có glucose. Nếu bạn bị tăng đường huyết, quá trình này sẽ khó khăn hơn vì thận phải làm nhiều hơn để hấp thụ lượng glucose dư thừa. Nó đưa chất lỏng từ các mô để làm loãng đường và bài tiết nhiều glucose hơn vào nước tiểu để giữ cho lượng đường trong máu cân bằng.
Khi các mô mất nhiều chất lỏng, bạn càng muốn uống nước nhiều hơn. Nếu bạn nhận thấy uống bao nhiêu nước nhưng vẫn khô rát, khô miệng nghiêm trọng có thể là dấu hiệu tăng đường huyết.
Đi tiểu nhiều hơn: Thường gặp nhất là vào ban đêm có thể là dấu hiệu của lượng đường trong máu tăng cao. Đây kết quả của việc làm loãng lượng đường dư thừa trong máu và đào thải nó ra ngoài qua nước tiểu.
Đói thường xuyên hơn: Khi lượng đường dư thừa trong máu đồng nghĩa với việc cơ thể không thể sử dụng nó để làm nhiên liệu. Do đó, các tế bào thiếu năng lượng, khiến bạn cảm thấy đói thường xuyên hơn. Nhưng bạn càng tiêu thụ nhiều carbohydrate, lượng đường trong máu càng tăng cao.
Mờ mắt: Lượng đường cao buộc cơ thể phải lấy chất lỏng từ các mô bao gồm cả của mắt, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và dẫn đến mờ mắt.
Mệt mỏi: Các tế bào thiếu năng lượng khiến cơ thể cảm thấy uể oải, mệt mỏi. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi thường xuyên sau khi ăn một bữa ăn, nhất là một bữa ăn giàu carbohydrate.
Nhiễm trùng nấm men: Vì nấm men ăn đường nên lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm men. Phụ nữ bị tăng đường huyết có thể dẫn đến nhiễm trùng nấm men thường xuyên.
Các triệu chứng nghiêm trọng
Những triệu chứng nghiêm trọng xảy ra khi tình trạng tăng đường huyết diễn biến trong thời gian dài hoặc khi lượng đường trong máu quá cao.
Đau dạ dày: Tăng đường huyết mạn tính có thể làm hỏng dây thần kinh phế vị, điều khiển cơ dạ dày, dẫn đến liệt dạ dày. Tình trạng này có thể làm tê liệt một phần dạ dày, làm chậm hoặc ngừng đưa thức ăn vào ruột non. Đau dạ dày cũng có thể là một dấu hiệu của nhiễm toan ceton do tiểu đường, trong đó, cơ thể bạn sản xuất dư thừa axit trong máu. Trường hợp này nguy hiểm và cần được cấp cứu.
Nếu không được điều trị, các triệu chứng nhiễm toan ceton nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện nhanh chóng như thở nhanh, sâu; da và miệng khô, mặt đỏ bừng, hơi thở thơm mùi trái cây, đau đầu, ói mửa...
Giảm cân không chủ ý: Là một dấu hiệu quan trọng của lượng đường trong máu tăng cao. Nhiều trẻ em bị sụt cân trước khi được chẩn đoán bệnh tiểu đường type 1. Nguyên nhân do cơ thể không thể sử dụng đường trong máu để làm nhiên liệu, thiếu năng lượng.
Buồn nôn, hơi thở có mùi trái cây: Bạn cần thăm khám với bác sĩ khi bị buồn nôn, nôn mửa, hơi thở có mùi trái cây, thở sâu và nhanh, mất ý thức... Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh khác liên quan đến bệnh tiểu đường và cần được điều trị ngay.
Một số triệu chứng hiếm gặp hơn cũng có thể xảy ra ở những người bị tăng đường huyết như tê, ngứa ran hoặc đau ở bàn tay, bàn chân, da khô, vết thương chậm lành, rối loạn cương dương...
Kim Uyên
(Theo Verywell Health)