ThS.BSCKI Hà Thị Ngọc Bích, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kiểm soát đường huyết là mục tiêu chính trong điều trị tiểu đường, giúp phòng biến chứng. Không ít người bệnh tiểu đường khó ổn định đường huyết mỗi ngày.
Kiểm soát đường huyết không chỉ dựa vào thuốc, chế độ ăn mà còn liên quan đến vận động, thói quen sinh hoạt... Theo bác sĩ Bích, một số thói quen dưới đây có thể khiến đường huyết tăng cao hơn bình thường.
Bỏ ăn sáng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 do tình trạng kháng insulin nặng hơn, gây tăng đường huyết. Người bệnh nên ăn sáng điều độ mỗi ngày và đúng giờ, bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng.
Thức khuya hoặc thiếu ngủ làm tăng tiết hormone đói (ghrelin) và giảm tiết hormone no (leptin) tăng cảm giác thèm ăn. Thói quen ăn vặt hay ăn khuya dễ làm tăng đường huyết.
Thiếu ngủ còn tác động đến hormone insulin, cortisol và quá trình stress oxy hóa làm ảnh hưởng đến đường huyết ở người tiểu đường, nguy cơ đề kháng insulin ở người bình thường.
Sử dụng chất tạo ngọt: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo không nên sử dụng chất tạo ngọt để ăn kiêng hay giảm cân. Chất tạo ngọt không mang lại lợi ích nào cho sức khỏe mà có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch.
Uống ít nước: Cơ thể thiếu nước làm tăng tiết hormone căng thẳng (stress hóa) kháng insulin gây đường huyết cao. Uống nước quá ít gây thiếu nước, không tốt cho thận cũng như có thể làm đường huyết tăng lên. Do đó, uống đủ nước mỗi ngày có vai trò quan trọng trong điều trị tiểu đường, giúp người bệnh có sức khỏe tốt phòng mắc các bệnh mạn tính.
Ít vận động: Vận động hay tập thể dục hàng ngày góp phần giảm lượng đường trong máu, tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin. Ngược lại, người bệnh tiểu đường ít vận động khiến đường huyết cao hơn so với những ngày có tập thể dục. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn.
Căng thẳng, viêm nhiễm: Khi cơ thể ở trạng thái căng thẳng, viêm nhiễm, nhiễm trùng, chấn thương hay bệnh nặng, cơ thể dễ tăng tiết hormone đối kháng insulin, làm đường huyết tăng.
Bác sĩ Bích cho biết ngoài các lý do chủ quan về chế độ sinh hoạt và ăn uống, người bệnh có thể tăng đường huyết do thuốc điều trị chưa đủ hiệu quả hay một số yếu tố khác.
Khi đường huyết cao, kiểm soát khó, người bệnh nên đi khám để có giải pháp điều trị phù hợp. Tránh các thói quen không tốt dễ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Bác sĩ Bích khuyến cáo người bệnh tiểu đường không tự ý điều chỉnh thuốc, bỏ thuốc khi đường huyết ổn định, điều trị bằng các phương pháp chưa được khoa học chứng minh, không hút thuốc lá, uống rượu bia.
Người bệnh hạn chế ăn vặt, thực phẩm bột đường, không nên bỏ bữa ăn, tránh ăn nhiều thịt đỏ. Chọn thực phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe, giảm hàm lượng tinh bột đường trong khẩu phần ăn, chọn bổ sung đạm từ thực vật hoặc cá, thịt trắng, ăn nhiều rau xanh.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |