Viêm họng xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em. Vào mùa đông, không khí lạnh, khô tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tấn công người bệnh. Khả năng mắc các bệnh nhỏ như cảm lạnh, ho và đau họng cao hơn. Đau họng gây khó nuốt, đau khi nói và mệt mỏi. Một số đồ uống có thể giúp giảm đau họng tăng cường hệ miễn dịch cho người bệnh khi thời tiết lạnh.
Trà gừng: Trà gừng có công dụng giảm triệu chứng cảm lạnh và đau họng. Loại đồ uống này nếu dùng ấm có thể giảm ngứa cổ họng. Vị cay của gừng còn giúp tiêu đờm, giảm viêm, giảm đau, đồng thời tạo ra nhiệt, có tác dụng giữ ấm cho cơ thể trong mùa lạnh.
Bạn nên uống trà gừng vào buổi sáng để có tinh thần thoải mái. Gừng tươi hoặc gừng khô đều có thể dùng để pha trà. Uống gừng ấm còn hỗ trợ sức khỏe đường tiêu hóa, đường hô hấp.

Trà gừng có công dụng giữ ấm cho cơ thể. Ảnh: Freepik
Trà nghệ: Củ nghệ được biết đến với đặc tính chống oxy hóa, hợp chất curcumin trong tinh bột nghệ có đặc tính chống viêm, góp phần chữa lành vết thương, chống lại một số bệnh nhiễm trùng. Sử dụng nghệ trong ăn, uống có thể giúp giảm đau họng trong 1-2 ngày.
Khi bị đau họng, bạn có thể trà nghệ bằng cách pha một cốc nước ấm với một chút nghệ, cho thêm chút trà và đường tùy vào khẩu vị. Ngoài uống trà, bạn có thể thêm nghệ tươi với một chút nước ấm để súc miệng trước khi đi ngủ.
Trà bạc hà: Bạc hà có chứa tinh dầu bạc hà, là một chất thông mũi hiệu quả, giúp điều trị cổ họng khó chịu. Đặc tính làm mát của bạc hà có thể giúp giảm cơn đau tức thì. Ngoài ra, trà bạc hà còn giúp hỗ trợ tiêu hóa, giúp dễ ngủ.
Trà hoa cúc: Loại đồ uống này cũng nằm trong danh sách được khuyên dùng cho người bị đau họng. Đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và làm se vết thương của trà hoa cúc giúp tình trạng viêm được chữa lành tự nhiên. Trà hoa cúc có thể làm dịu cổ họng khó chịu, giảm các triệu chứng cảm lạnh. Đồ uống này sẽ ngon hơn nếu pha với một ít mật ong.

Tinh bột nghệ và mật ong giúp giảm đau họng. Ảnh: Freepik
Nước chanh: Nước chanh có nhiều vitamin C, giúp tăng sức đề kháng. Ngoài ra, nó còn giúp tăng độ đàn hồi, giúp da không bị khô, nứt vào mùa đông. Bạn cũng có thể dùng nước cam thay cho nước chanh để cơ thể tăng cường miễn dịch, chống lại đau họng.
Mật ong: Mật ong có tác dụng làm nóng cơ thể khi trời lạnh. Người bị đau họng nên uống mật ong vào buổi trưa, uống cách bữa ăn ít nhất nửa tiếng.
Anh Chi (Theo Timesofindia, Healthline)