Vào mùa đông, khí hậu thay đổi đột ngột là điều kiện cho các virus, vi khuẩn phát triển mạnh, dễ gây ra cảm lạnh, đau họng, ho dai dẳng. Đau họng khiến người bệnh khó khăn khi nuốt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn làm dịu cổ họng, giảm đau họng trong mùa đông.
Nghỉ ngơi: Triệu chứng đau họng thường đi kèm với nhiều căn bệnh khác nhau và thường khỏi trong khoảng một tuần. Ngủ đủ giấc là một trong những yếu tố góp phần đảm bảo hệ miễn dịch khỏe mạnh, chống lại nhiễm trùng.
Uống đủ nước: Bên cạnh nghỉ ngơi, người bị đau họng nên uống đủ nước, có thể là nước trái cây, trà, nước lọc hoặc các loại canh, súp. Mọi người không nên uống nước quá nóng khi trời lạnh, chênh lệch nhiệt độ có thể khiến sưng cổ họng. Nếu nước quá nóng cũng có thể gây bỏng cổ họng.
Giảm đau bằng nước lạnh hoặc thuốc: Nếu cơn đau họng làm bạn mất ngủ và khó chịu, bạn có thể dùng thuốc giảm đau paracetamol hoặc ibuprofen. Thuốc viên ngậm trị đau họng và thuốc xịt giảm đau không cần kê đơn cũng giảm khó chịu ở cổ họng. Ngậm đá viên, kẹo ngậm góp phần làm dịu vết sưng tấy.

Thuốc xịt họng có thể giúp giảm cơn đau họng. Ảnh: Freepik
Tự làm nước súc miệng: Súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp giảm viêm. Người lớn có thể hòa tan nửa thìa cà phê muối trong một cốc nước ấm, súc miệng bằng dung dịch này rồi nhổ ra. Bạn nên lặp lại khoảng 3 lần một ngày, nhiều hơn nếu cần. Phương pháp này được đánh giá là ít tốn kém và cho tác dụng nhanh.
Bỏ các chất kích thích: Các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia đều khiến cơn đau họng trở nên trầm trọng hơn. Trong đó, khói thuốc lá kích thích khí quản. Cơ thể cố gắng loại bỏ nó bằng cách ho dẫn đến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn. Khói thuốc lá cũng làm giảm khả năng miễn dịch, có thể dẫn đến nhiễm virus và vi khuẩn tái phát, đồng thời, làm suy yếu cơ vòng thực quản gây trào ngược axit, dẫn đến kích ứng cổ họng. Người bị đau họng cũng nên để ý đến các chất kích thích khác trong không khí như không khí khô, ô nhiễm môi trường, khói bụi.

Mọi người nên hạn chế rượu bia, chất kích thích khi đau họng. Ảnh: Freepik
Tăng cường hệ thống miễn dịch: Bạn có thể bảo vệ cơ thể trước bệnh viêm họng và các cơn đau họng bằng chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh, tiêm phòng cúm. Ăn uống lành lạnh giúp cơ thể bổ sung vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, mùa đông ít ánh nắng mặt trời, mọi người nên chú ý bổ sung vitamin D hằng ngày để tăng cường khả năng miễn dịch.
Nếu đã sử dụng các biện pháp trên nhưng không cải thiện, cơn đau họng kéo dài trên một tuần, người bệnh nên đi gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Hà Phượng
(Theo Healthshots, Guardian)