Chướng bụng, đầy hơi có thể do nhiều nguyên nhân như không dung nạp thức ăn hoặc hội chứng ruột kích thích, nhiễm trùng đường ruột, liệt dạ dày, táo bón gây tích tụ phân trong đường tiêu hóa.
Bác sĩ Đào Trần Tiến, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đầy hơi chướng bụng do sinh lý có thể điều chỉnh thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nếu tình trạng này do bệnh lý cần tìm nguyên nhân chính xác để điều trị hiệu quả. Người đầy hơi, chướng bụng cần tránh các việc sau đây.
Không vận động: Đầy hơi, chướng bụng có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và không muốn vận động. Tuy nhiên, hạn chế vận động càng làm chậm quá trình nhu động ruột dẫn đến bệnh khó cải thiện.
Vận động thúc đẩy nhu động ruột diễn ra đều đặn, cải thiện quá trình vận chuyển, thanh thải khí trong ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Đi bộ 20-30 phút mỗi ngày góp phần cải thiện chướng bụng, đầy hơi hiệu quả.
Tắm nước lạnh: Có thể làm cơ thể mệt mỏi hơn khi đang có triệu chứng chướng bụng, đầy hơi. Nước lạnh làm giảm kích thích nhu động ruột, khó loại bỏ khí tích tụ ở đường tiêu hóa.
Theo bác sĩ Tiến, tình trạng này có thể giảm nhờ hơi ấm của nước. Bạn có thể ngâm mình trong bồn tắm nước ấm hay dùng vòi hoa sen đều được. Tắm nước ấm còn hỗ trợ thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng, hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Ăn nhiều chất béo, đồ ngọt: Cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn, làm chướng bụng đầy hơi chuyển biến nặng. Thực đơn trong những ngày này nên có nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi. Mỗi ngày một người trưởng thành cần 30 g chất xơ. Tuy nhiên, quá trình nạp chất xơ vào cơ thể phải đúng cách, không ăn quá mức hoặc ăn quá nhanh dễ phản tác dụng.
Ăn quá no: Ăn nhanh và quá no một lúc dễ làm đầy hơi. Ăn chậm, nhai kỹ hạn chế không khí vào đường tiêu hóa. Hạn chế sử dụng đồ ăn cứng, cay nóng, mặn dễ dẫn đến khó tiêu. Ưu tiên thức ăn mềm như cháo, súp, các món hầm... Chất kích thích như rượu bia, đồ uống có ga làm bệnh trầm trọng hơn.
Thức khuya: Thường xuyên làm tăng tiết và rối loạn axit dạ dày khiến cơ thể mệt mỏi mỗi khi thức dậy. Nên ngủ sâu, đủ giấc và tập thói quen ngủ trước 23h, tắt điện thoại, ánh sáng để vào giấc dễ hơn.
Uống thuốc không có chỉ định của bác sĩ: Tự ý sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Các loại thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc tránh thai... có thể gây chướng bụng, đầy hơi khó chịu và phát sinh các biến chứng khác. Người bệnh không nhai kẹo cao su, vì trong quá trình nhai kẹo sẽ nuốt không khí khiến tình trạng nặng hơn.
Theo bác sĩ Tiến, đầy hơi, chướng bụng thường khỏi sau vài ngày. Nếu bệnh kéo dài và đi kèm các biểu hiện khác, có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Người bệnh cần theo dõi các bất thường của cơ thể, đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |