ThS.BS Đoàn Hoàng Long, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thượng vị là vùng bụng từ rốn lên phía xương ức, nơi tập trung nhiều bộ phận quan trọng như dạ dày, thực quản, mật, tụy...
Viêm thực quản, viêm tụy cấp, sỏi mật, ung thư tuyến tụy, ngộ độc thực phẩm, nhiễm độc tiêu hóa, viêm ruột thừa... đều có thể gây đau vùng thượng vị. Trong một số trường hợp, cơn đau này liên quan các bộ phận ngoài ổ bụng như tim, màng phổi, cơ hoành...
Tùy vào bệnh lý, triệu chứng có thể khác nhau như đau âm ỉ kéo dài, quằn quại, dữ dội, đau nhói ra phía sau. Đau thượng vị liên quan đến đường tiêu hóa thường đi kèm với chướng bụng, ợ hơi, khó tiêu, buồn nôn, nóng rát vùng cổ ngực, tiêu chảy...
Theo bác sĩ Hoàng Long, trường hợp đau nhẹ, nguyên nhân do lối sống, người bệnh có thể áp dụng một số cách sau để giảm đau.
Nhai kẹo cao su giúp giảm chứng ợ nóng, trào ngược nhờ kích thích tăng tiết nước bọt, giảm nồng độ axit dư thừa trong thực quản. Nhai kẹo cao su không đường sau bữa ăn 30 phút góp phần giảm đau vùng thượng vị.
Chia nhỏ bữa ăn trong ngày: Ăn quá no tạo áp lực lên dạ dày, khó chịu, dễ trào ngược axit lên thực quản dẫn đến đau thượng vị. Chia nhỏ bữa ăn (5-6 bữa một ngày) giúp giảm áp lực dạ dày, nhờ đó cải thiện cơn đau vùng thượng vị. Nên tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ, chọn thức ăn mềm, tránh tạo áp lực cho dạ dày.
Kiêng bia rượu, chất béo, chất kích thích: Người bệnh kiêng rượu bia, thuốc lá, cà phê đậm, các loại gia vị như tiêu, ớt, giấm, mù tạt, sữa chua, đồ muối chua, thức ăn lên men như tương, chao, mắm... Các chất này gây kích thích, kích ứng dạ dày khiến bệnh nặng hơn. Thực phẩm giàu chất béo như pizza, xúc xích, thịt xông khói cũng cần hạn chế.
Không nằm ngay sau khi ăn: Thói quen xấu làm tăng áp lực lên cơ vòng thực quản. Nên nằm sau khi ăn ít nhất 3-4 giờ để phòng ngừa các cơn đau ở vùng thượng vị, tránh bệnh diễn tiến nặng.
Nằm nghiêng bên trái và kê gối cao khi ngủ: Hai tư thế ngủ này tốt nhất cho những người có vấn đề về hệ tiêu hóa, giảm trào ngược dạ dày.
Tư thế kê cao gối giúp thức ăn không trào ngược trở lại cơ vòng thực quản. Tư thế nằm nghiêng bên trái giảm áp lực để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Thức ăn được tiêu hóa dễ dàng hơn, giảm tiết dịch vị, ngăn ngừa tình trạng thừa axit trong dạ dày gây ợ hơi, ợ chua, nhờ đó giảm các cơn đau của dạ dày.
Kiểm soát cân nặng: Thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ cao gây đau vùng thượng vị. Người thừa cân, béo phì cần lên kế hoạch giảm cân khoa học bằng chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì vận động mỗi ngày.
Bác sĩ Hoàng Long khuyến nghị người hay đau vùng thượng vị cần khám để tìm ra nguyên nhân, sớm kiểm soát và điều trị bệnh. Với những triệu chứng nhẹ, thay đổi lối sống có thể kiểm soát bệnh.
Trường hợp đau vùng thượng vị kéo dài kèm theo một số triệu chứng như nôn ói, tiêu chảy, tiêu ra máu, chán ăn, cơ thể mệt mỏi, sụt cân, thiếu máu, nổi hạch, u ở bụng... cần khám ngay. Tùy tình hình, bác sĩ sẽ kê thuốc hoặc chỉ định định phẫu thuật.
Mọi người nên có chế độ dinh dưỡng cân bằng các nhóm dưỡng chất thiết yếu, duy trì hoạt động thể dục thể thao phù hợp 150 phút mỗi tuần giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức khỏe toàn thân, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |