ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đo áp lực nhu động thực quản (High-resolution manometry - HRM) là kỹ thuật sử dụng dây đo có các thụ thể cảm nhận áp lực để đưa qua mũi, xuống thực quản và vào dạ dày.
Phương pháp này được khuyến cáo khi người bệnh xuất hiện triệu chứng rối loạn nuốt nghi ngờ các rối loạn nhu động thực quản như co thắt tâm vị, co thắt đoạn xa thực quản, trào ngược dạ dày thực quản không đáp ứng với điều trị nội khoa. Người bệnh trào ngược ngoài thực quản có các triệu chứng như ho, đau ngực, khàn tiếng..., bác sĩ cũng cân nhắc đo áp lực nhu động thực quản.
Kỹ thuật này thường được áp dụng trong các trường hợp trước và sau phẫu thuật tác động đến cơ thắt thực quản dưới hoặc cần xác định vị trí cơ thắt thực quản dưới. Người bệnh mắc bệnh lý tự miễn hệ thống như xơ cứng bì có kèm triệu chứng thực quản (nghẹn, nuốt khó).
Theo bác sĩ Ngân, thông qua hình ảnh đường áp lực màu hiển thị trên màn hình phần mềm, bác sĩ xác định được vùng co thắt thực quản trên và dưới, lực co bóp của các nhịp nuốt và áp lực vùng dạ dày phía dưới. Qua đó chẩn đoán một số rối loạn gây ảnh hưởng đến chức năng của thực quản. Thời gian đo tối đa không quá 20-30 phút.
Người bệnh cần nhịn ăn 4-6 giờ trước khi thực hiện, không dùng thuốc chẹn kênh canxi hoặc giãn cơ trơn trong vòng 24 giờ, dừng các thuốc hỗ trợ nhu động (prokinetics) 24-48 giờ. Với nội soi dạ dày hoặc đại tràng tiền mê, kỹ thuật này cần được thực hiện khi bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn sau ít nhất một giờ.
Bác sĩ Ngân cho biết thêm đo áp lực nhu động thực quản là kỹ thuật an toàn, tỷ lệ biến chứng thấp (chỉ dưới 1% nếu thực hiện đúng quy trình). Người bệnh có thể khó chịu, sưng nề vùng mũi họng, chảy nước mắt hoặc chảy máu mũi nhẹ nhưng không đáng lo ngại.
Các vấn đề về xoang do kích ứng hoặc tắc nghẽn ống dẫn từ xoang vào mũi có thể xảy ra nhưng rất hiếm gặp. Kỹ thuật này cần được thực hiện bởi các bác sĩ nhiều kinh nghiệm. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ theo dõi sát sao sinh hiệu, mạch đập, huyết áp, hô hấp của bệnh nhân. Người bị nôn ói, đau bụng sau khi đo cần tái khám sớm để được chẩn đoán.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |