BS.CKII Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đau bụng bên phải thường liên quan đến các bệnh về hệ tiêu hóa. Dưới đây là những bệnh thường gặp gây ra tình trạng này.
Viêm ruột thừa gây ra những cơn đau vùng bụng bên phải hoặc quanh rốn. Ban đầu, cơn đau xảy ra quanh rốn hoặc vùng bụng trên, sau 6-12 tiếng sẽ di chuyển xuống vùng bụng dưới bên phải. Triệu chứng đau tiến triển nghiêm trọng theo thời gian, phát triển thành đau dữ dội, co cứng thành bụng.
Một số triệu chứng khác của viêm ruột thừa gồm chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, đau tăng lên khi sờ nắn vùng bụng dưới bên phải. Người bệnh nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán và phẫu thuật kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Viêm túi mật do sỏi túi mật với triệu chứng gồm đau quặn từng cơn hoặc âm ỉ liên tục, tăng nhanh, lan lên vai phải hoặc sau lưng. Những cơn đau này thường kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Người bệnh thường thấy chán ăn, ăn kém, buồn nôn, nôn, sốt cao. Nên nhập viện để bác sĩ khám, xét nghiệm chẩn đoán và phẫu thuật cắt túi mật.
Viêm gan cấp tính cũng dẫn đến cơn đau bụng bên phải, do các tế bào gan bị tổn thương, viêm nhiễm. Đau bụng do viêm gan cấp tính diễn ra âm thầm, không có biểu hiện ở giai đoạn đầu. Một số triệu chứng đi kèm như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, vàng da.
Bệnh được kiểm soát thông qua thay đổi chế độ ăn uống, dùng thuốc đặc trị viêm gan virus C, viêm gan do nguyên nhân tự miễn và theo dõi các biến chứng do viêm gan cấp (suy gan cấp, rối loạn đông cầm máu...).
Sỏi thận cản trở đường lưu thông nước tiểu, dẫn đến đau vùng bụng bên phải. Cơn đau dễ lan ra sau lưng hoặc lan xuống bụng dưới, cơ quan sinh dục trong khoảng 20-60 phút, sau đó bớt rồi tái phát. Mức độ cơn đau tiến triển từ trung bình đến nặng. Các triệu chứng khác gồm sốt, buồn nôn, nôn, đau rát khi đi tiểu, tiểu ra máu, tiểu đục, bí tiểu, khó tiểu hoặc đi tiểu nhiều bất thường.
Viêm vùng chậu là bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh sản của phụ nữ, do các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), thường gặp là vi khuẩn lậu hoặc chlamydia.
Người bệnh thường có cảm giác đau vùng bụng dưới bên phải, kèm theo các triệu chứng như tiết dịch âm đạo bất thường, có mùi hôi, sốt, buồn nôn hoặc nôn mửa, đau khi quan hệ tình dục, nóng rát khi đi tiểu. Bệnh cần điều trị sớm, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản như vô sinh.
Nhiễm trùng tiêu hóa dẫn đến đau bụng tiêu chảy dạng phân nước hoặc nhầy nhớt, diễn ra liên tục trong vài ngày. Bệnh do các vi sinh vật, nhất là vi khuẩn và nấm men tấn công cơ thể. Một số ít trường hợp xảy ra do ký sinh trùng xâm nhập, gây tổn thương.
Các triệu chứng khác như sốt, nôn ói, ăn uống kém. Trường hợp nhiễm trùng nhẹ, người bệnh nên uống đủ nước. Nếu nhiễm khuẩn đường ruột nặng, người bệnh cần nhập viện để truyền dịch tĩnh mạch, sử dụng thuốc kháng sinh hoặc các liệu pháp điều trị khác.
Hội chứng ruột kích thích cũng dẫn đến triệu chứng đau bụng bên phải, kèm theo tiêu chảy, táo bón, đầy hơi. Bệnh thường gặp ở người mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần. Phương pháp điều trị phổ biến là gồm dùng thuốc kê đơn và điều chỉnh chế độ ăn uống.
Người bệnh cần đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện có chuyên khoa khám khi đau bụng bên phải bất thường. Phòng bệnh bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh như uống nhiều nước để tránh táo bón, đi tiêu vào những khung giờ cố định, xây dựng chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và ngũ cốc nguyên hạt, tập thể dục.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |