Bên cạnh ăn uống, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, một số thói quen vào buổi tối giúp bạn tỉnh táo vào ngày hôm sau. Não khỏe còn làm chậm quá trình suy giảm nhận thức khi về già. Dưới đây là 5 thói quen tốt cho não nên làm mỗi tối.
Đi ngủ cùng một giờ: Ngủ cùng một giờ trong các ngày giúp ngủ nhanh hơn, giấc ngủ sâu hơn. Chất lượng giấc ngủ càng tốt, não càng có nhiều thời gian nghỉ ngơi, tái tạo, có lợi cho chức năng nhận thức khi về già.
Tránh uống rượu, nên uống nước: Nhiều người có thói quen uống rượu trước khi ngủ để dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, uống rượu có thể giảm thể tích não, giảm chất xám lẫn chất trắng. Thay vì uống rượu, nên uống đủ nước mỗi ngày để tránh mất nước.
Mất nước làm tăng nguy cơ mất trí nhớ, trầm trọng thêm suy giảm nhận thức ở người mắc chứng mất trí nhớ. Người không uống đủ nước, các protein bị lỗi có khả năng tích tụ trong não, làm tổn thương các tế bào thần kinh.
Uống một ít nước buổi tối được chứng minh cải thiện sức khỏe não bộ. Bạn nên uống từng ngụm nhỏ, chia thành nhiều lần. Dừng uống nước trước giờ ngủ hai tiếng để tránh tiểu đêm.
Đọc sách: Thói quen này tốt cho người thường xuyên lo lắng, giúp não thư giãn. Nhiều nghiên cứu cho thấy người đọc sách thường xuyên có kết quả nhận thức tốt hơn, giảm nguy cơ mất trí nhớ.
Ngừng xem điện thoại hai giờ trước khi ngủ: Phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại ảnh hưởng đến chức năng nhận thức, trí nhớ, khả năng lý luận logic, tính sáng tạo. Tiếp xúc với ánh sáng xanh phát ra từ màn hình có thể ức chế melatonin - hormone gây buồn ngủ, cản trở giấc ngủ ngon và sâu, không tốt cho não.
Nên ngừng sử dụng điện thoại và các thiết bị màn hình khoảng hai tiếng trước khi lên giường. Không để điện thoại gần giường vì dễ gián đoạn giấc ngủ.
Thư giãn cùng thiên nhiên: Tiếp xúc với không gian xanh hỗ trợ nâng cao nhận thức, phù hợp với người làm công việc thường xuyên suy nghĩ, cần khả năng tập trung. Nên dành khoảng 20 phút mỗi chiều tối để đi dạo quanh nhà, thư giãn ở công viên để não khỏe hơn.
Nghiên cứu năm 2022 đăng trên Tạp chí Sức khỏe Môi trường (Mỹ), tổng hợp dữ liệu của gần 62 triệu người (trên 65 tuổi) trong 16 năm, cho thấy thiên nhiên cải thiện sức khỏe tâm thần, bao gồm cả chứng trầm cảm và lo lắng. Người dành nhiều thời gian thư giãn cùng thiên nhiên có thể giảm nguy cơ mất trí nhớ, bệnh Parkinson và Alzheimer.
Anh Chi (Theo Livestrong)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |