Trả lời:
Giấc ngủ giúp cơ thể nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng, quan trọng để ghi nhớ. Ký ức được hình thành khi có các yếu tố chính gồm thu nhận (học hỏi một điều mới), củng cố (giúp ký ức trở nên ổn định trong não) và nhớ lại (khả năng truy cập bộ nhớ trong tương lai).
Thu nhận và nhớ lại là những chức năng diễn ra khi chúng ta thức. Riêng chức năng củng cố thông tin giúp ký ức ổn định trong não thường diễn ra trong thời gian ngủ. Nhiều nghiên cứu cho rằng trong khi ngủ phần lưu trữ ký ức phát lại các sự kiện trong ngày, để chúng tồn tại lâu hơn. Ngủ không đủ giấc ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận thông tin, ghi nhớ của não.
Khả năng phán đoán của não, các kỹ năng vận động tinh (kỹ năng sử dụng các nhóm cơ nhỏ điều khiển bàn tay, ngón tay để thực hiện được những động tác khó, linh hoạt) cũng bị cản trở. Chất lượng giấc ngủ kém có thể giảm tập trung, giảm kỹ năng đưa ra quyết định và kiểm soát hành vi, cảm xúc. Trong trường hợp của bạn, khó ngủ, mất ngủ kéo dài dễ làm suy giảm trí nhớ đáng kể.
Thời gian ngủ của mỗi người khác nhau, tùy vào từng độ tuổi. Trẻ em ngủ nhiều hơn so với người lớn. Người trưởng thành (18-64 tuổi) cần ngủ 7-9 giờ mỗi ngày. Người trên 65 tuổi thường ngủ 7-8 giờ.
Theo Học viện Y học giấc ngủ Mỹ, ước tính có khoảng 10% người trưởng thành bị mất ngủ kéo dài, 15-35% người trưởng thành bị mất ngủ cấp tính diễn ra trong vài ngày, vài tuần. Mất ngủ có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Khi có biểu hiện mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị.
Bạn không nên lạm dụng thuốc an thần. Một số thói quen giúp bạn ngủ ngon hơn như tập thể dục thường xuyên, tránh dùng chất kích thích, không ăn 2-3 giờ trước khi ngủ, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh vào buổi tối, ngủ đúng giờ.
ThS.BS Vũ Thị Hinh
Khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |