VNExpress

HÔ HẤP VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành

5 thực phẩm nên hạn chế để hơi thở thơm mát

Tỏi, hành, cá, sữa, phô mai, đồ ngọt hay cà phê có thể kích thích vi khuẩn xấu trong miệng phát triển, tạo ra mùi hôi tồn tại nhiều giờ sau ăn.

Hôi miệng có liên quan đến chế độ ăn uống, bên cạnh vệ sinh răng miệng kém, mắc bệnh dạ dày và tiểu đường. Một số loại thực phẩm dưới đây có thể là thủ phạm.

Tỏi và hành: Các hợp chất lưu huỳnh có mùi trong tỏi, hành tạo ra hương vị riêng nhưng cũng gây mùi khó chịu. Mùi hôi không chỉ đọng lại trong miệng mà còn hấp thụ vào máu và được đưa đến phổi, khiến hơi thở có mùi. Nhai kẹo cao su ít đường hoặc một ít lá bạc hà giúp giảm mùi nồng này.

Sữa, phô mai: Các axit amin trong thực phẩm này phản ứng với vi khuẩn trong miệng, tạo ra các hợp chất lưu huỳnh khiến hơi thở có mùi. Đánh răng bằng kem có chất florua, uống nước hoặc dùng chỉ nha khoa để cải thiện tình trạng.

Thực phẩm giàu đường: Chế độ ăn nhiều đường cũng có liên quan đến tình trạng hôi miệng. Quá trình vi khuẩn trong miệng phân hủy đường và tinh bột từ thực phẩm tạo ra axit, làm hỏng răng, dẫn đến sâu răng. Sâu răng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến miệng có mùi hôi. Các món nhiều đường bao gồm kẹo, bánh ngọt và soda.

Cà phê: Đồ uống này dễ khiến miệng khô, tạo điều kiện cho vi khuẩn tạo mùi trong miệng phát triển. Uống cà phê còn có liên quan đến trào ngược, góp phần gây hôi miệng. Ăn một miếng gừng hoặc sữa chua sau uống cà phê để hơi thở thơm mát hơn.

Cá: Mùi tanh của cá thường rất đặc trưng do nó chứa trimethyl amin. Hợp chất này đọng lại trong miệng, tạo nên mùi hôi nhiều giờ sau ăn. Nước ép có tính axit từ chanh, cam hoặc giấm có thể giúp trimethyl amin liên kết với nước, loại bỏ mùi hôi miệng.

Bảo Bảo (Theo Times of India, WebMD)
Ảnh: Bảo Bảo

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn