Hàng trăm tỷ vi khuẩn bao gồm vi khuẩn có lợi và có hại, đang tồn tại trong đường ruột. Trong khi những vi khuẩn gây hại không ngừng tìm cơ hội để gây bệnh thì các vi khuẩn có lợi chịu trách nhiệm hỗ trợ tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, sản sinh ra các chất hóa học tiêu diệt virus, vi khuẩn, nấm, góp phần bảo vệ cơ thể.
ThS.BS Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết probiotics là các loại vi khuẩn sống hoặc nấm men mà khi uống lượng vừa đủ có lợi cho người dùng. Có nhiều loại lợi khuẩn như nhóm trực khuẩn sinh acid lactic (Lactobacillus và Bifidobacterium), E.coli không gây bệnh (E. coli Nissle 1917), Clostridium butyricum, Streptococcus salivarius, và Saccharomyces boulardii (một loại nấm men không gây bệnh)...
Bác sĩ Phương cho biết, các nghiên cứu về các loại probiotics được sử dụng đơn trị hoặc phối hợp với các thuốc cho thấy hiệu quả trong một số bệnh đường tiêu hóa, nhất là trong bệnh viêm ruột, viêm túi thừa. Ngoài ra, probiotics còn có lợi ích trong điều trị các bệnh lý khác bao gồm tiêu chảy liên quan đến kháng sinh, viêm đại tràng do độc tố Clostridioides difficile, tiêu chảy nhiễm trùng, bệnh não gan, hội chứng ruột kích thích và dị ứng...
Những thực phẩm có chứa lợi khuẩn
Người bệnh mắc một bệnh lý nào đó hoặc tình trạng căng thẳng stress trong cuộc sống có thể phá hủy sự cân bằng giữa những vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây hại trong đường ruột, dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa. Bác sĩ Phương cho biết, để đảm bảo sức khỏe, chúng ta cần duy trì số lượng vi khuẩn có lợi lấn át vi khuẩn có hại. Bên cạnh việc bổ sung bằng thuốc, probiotics còn có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như sữa chua.
Sữa chua là một trong những nguồn cung cấp probiotic dồi dào. Nhưng không phải tất cả các vi sinh vật sống có trong sữa chua đều tồn tại tốt trong môi trường axit dạ dày, do đó, bạn nên uống sữa chua lúc no. Hơn nữa, lượng lactose còn sót lại trong sữa chua có thể làm tăng các triệu chứng ở những bệnh nhân không dung nạp lactose, bao gồm cả những người mới bị chứng không dung nạp lactose thứ phát do bệnh viêm dạ dày ruột trước đó. Trong trường hợp này, việc bổ sung lợi khuẩn từ các chế phẩm thuốc điều trị có vai trò quan trọng.
Chế độ ăn chứa thực phẩm lên men làm tăng sự đa dạng của lợi khuẩn đường ruột và giảm các dấu hiệu viêm nhiều hơn so với chế độ ăn uống chỉ có chất xơ. Các loại thực phẩm muối chua bao gồm kimchi, dưa chuột ngâm... Rau củ muối chua còn là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào như vitamin K, vitamin B2 và sắt; trong khi chứa rất ít calo.
Lợi khuẩn còn có thể được tìm thấy trong các loại phô mát mềm, bánh mì bột chua, đậu tương lên men...
Phi Hồng