VNExpress

NỘI TIẾT VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành
Thứ hai, 4/12/2023, 13:30 (GMT+7)

5 đồ uống người bệnh tiểu đường nên hạn chế

Soda, nước ngọt có ga, sinh tố và nước ép trái cây chứa nhiều carbohydrate, đường bổ sung tác động đến đường huyết.

Soda và nước ngọt có ga chứa nhiều carbohydrate (carb) gồm đường, tinh bột, chất xơ.

Theo Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ, một lon soda (355 ml) có 39 g carb. Nếu uống soda trong một bữa ăn là đã sử dụng hết lượng carb trong ngày, tương đương hơn 9 thìa cà phê đường. Trong khi tổng lượng carb tiêu chuẩn cho mỗi bữa ăn (gồm nhiều nguồn thức ăn uống) cho người tiểu đường là 30-45 g với nữ và 45-60 g cho nam.

Lượng đường cao khiến đường huyết khó kiểm soát hơn, có thể tổn hại cho tim, thận, đường tiêu hóa và hệ thống miễn dịch.

Sinh tố trái cây thường chứa nhiều đường, nhất là khi chúng được làm từ trái cây ngọt cùng với sirô, sữa đặc, sữa chua có đường. Một ly sinh tố (khoảng 355 ml) có tới 52 g carb, gồm 44 g đường. Lượng carb lớn này có thể làm tăng đường huyết sau ăn.

Người bệnh tiểu đường nên ăn cả quả tươi để nạp chất xơ có lợi mà vẫn kiểm soát được lượng carbohydrate. Tự làm sinh tố trái cây tại nhà nhằm tránh thêm đường, sữa, kem, sirô, lành mạnh hơn.

Nước ép trái cây tươi không chứa thêm đường bổ sung nhưng có carb và calo. Khẩu phần 1/2 cốc (120 ml) chứa 16 g carb và khoảng 64 calo, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Cơ thể chuyển hóa 100% nước ép trái cây giống như cách xử lý soda, dẫn đến lượng đường trong máu tăng nhanh.

Theo nghiên cứu công bố năm 2019 của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan (Mỹ), trên hơn 187.000 người, cho thấy tiêu thụ nhiều nước ép trái cây khiến người tiểu đường có nguy cơ tăng cân và bệnh tim cao hơn.

Hạn chế uống dưới 120 ml mỗi ngày để giảm nguy cơ và kiểm soát bệnh tốt hơn. Ăn cả quả giúp tận dụng chất xơ làm chậm quá trình hấp thụ glucose (đường) vào máu.

Cà phê có đườngđồ uống phổ biến nhưng không có lợi cho kiểm soát đường huyết. Một cốc cà phê có đường (240 ml) chứa một lượng lớn 54 g carb, 51 g đường.

Người bệnh có thể uống loại không đường, thay thế đường ăn, kem, sữa đặc bằng bột quế hoặc chất làm ngọt tự nhiên khác cho vào cà phê để tránh tác động đến lượng đường trong máu.

Sữa chua có đường (gồm loại ăn và uống) tốt cho sức khỏe nhưng theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, để quản lý tốt lượng đường trong máu, người bệnh tiểu đường nên hạn chế thêm đường vào chế độ ăn uống. Sữa chua nguyên chất hoặc không đường là lựa chọn phù hợp.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một hộp sữa chua nguyên chất (150 g) chứa 5,7 g carb, khoảng 5 g đường tự nhiên, 16 g protein, nhưng chỉ có 0,265 g chất béo. Trong khi khẩu phần tương tự sữa chua có đường chứa hơn 18 g carb, 0,2 g chất béo và hơn 17 g đường bổ sung.

Mai Cat (TheoEveryday Health)

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn