Tăng dung tích phổi tạo điều kiện cho quá trình trao đổi oxy và CO2 thuận tiện hơn. Dung tích phổi lớn có lợi cho sức khỏe trong cả các hoạt động thường ngày như đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, giảm nguy cơ mắc các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn.
Nếu như tuổi tác, hút thuốc, ô nhiễm khiến phổi hoạt động kém hiệu quả, các bài tập thực hành thở, thể dục nhịp điệu hoặc hỗ trợ từ bác sĩ có thể giúp tăng dung tích phổi, giảm khó thở và giữ hơi thở lâu hơn.
Ưu tiên tập thể dục theo nhịp điệu: các hoạt động thể dục theo nhịp điệu buộc tim và phổi làm việc nhiều, cung cấp oxy cho cơ bắp nhiều hơn. Theo Hiệp hội Phổi Mỹ, khi thực hiện bài tập thể dục đều đặn, nhất quán, hệ thống tim mạch cung cấp oxy đến cơ bắp hiệu quả hơn, ít gây khó thở hơn.
Bài tập thể dục theo nhịp điệu giúp tăng dung tích phổi bao gồm các bài tập liên quan đến hít thở sâu như chạy, bơi lội. Bạn nên xen kẽ các cường độ nhanh, chậm và nghỉ ngơi trong khi thực hiện các bài tập. Ngay cả việc đi bộ nhanh kết hợp chậm cũng có thể tạo ra sự khác biệt về dung tích phổi.
Thực hành huấn luyện giữ hơi thở: tập luyện giữ hơi thở là hành động tăng dần thời gian có thể nín thở của một người. Phương pháp này khá hiệu quả để tăng dung tích phổi. Các bước thực hành áp dụng như sau: ngồi thẳng lưng, mở miệng và hít vào càng sâu càng tốt; mím môi và nín thở càng lâu càng tốt, theo dõi từng giây bằng đồng hồ hoặc điện thoại; lặp lại quá trình, dần dần giữ hơi thở thêm vài giây mỗi lần.
Thử thở bằng môi: thở bằng môi làm giảm số lần hít thở, giữ cho đường thở mở lâu hơn. Thở bằng môi thường được bác sĩ hướng dẫn cho bệnh nhân mắc các bệnh phổi mạn tính như COPD, nhằm cải thiện sức khỏe phổi.
Để thực hiện bài tập thở mím môi, bạn nên ngồi thẳng lưng, tư thế tốt có thể thúc đẩy chuyển động của phổi; hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng (môi vẫn mím chặt); lặp lại động tác này vài lần. Lưu ý thời gian thở ra nên dài gấp đôi so với thời gian hít vào.
Hít thở sâu vào bụng: thở bằng bụng được sử dụng để tăng dung tích phổi, đây cũng là cách giúp giải tỏa căng thẳng. Bài tập bắt đầu bằng động tác hít vào bằng mũi, đặt tay lên bụng, để cảm nhận bụng mình đang phồng lên và xẹp xuống; giữ cho cổ và vai thư giãn; thở ra bằng miệng từ 2-3 lần; lặp lại động tác nhiều lần.
Gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp: một trong những nguyên nhân khiến việc thở trở nên khó khăn là do gặp các vấn đề về hô hấp. Bác sĩ có thể giúp người bệnh cải thiện luồng không khí, tăng chức năng phổi thông qua các phương pháp điều trị cụ thể.
Anh Chi (Theo Livestrong)