Phổi có thể bị ảnh hưởng bởi các chất ô nhiễm trong đời sống hằng ngày và dẫn đến tắc nghẽn đường thở. Số liệu từ Hiệp hội Phổi Mỹ cho thấy một trong 6 trường hợp hen suyễn khởi phát ở người lớn là do nghề nghiệp. Ngoài ra, có đến 21,5% người lớn mắc bệnh hen suyễn nhận thấy rằng bệnh của họ trở nên tồi tệ hơn do tiếp xúc nhiều tại nơi làm việc. Dưới đây những công việc gây ảnh hưởng đến phổi và cách phòng ngừa.
Công nhân xây dựng
Người lao động hít phải bụi trong quá trình phá dỡ hoặc cải tạo công trình nhà ở, tòa nhà có thể có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, ung thư trung biểu mô hoặc bệnh bụi phổi amiăng gây sẹo và xơ cứng phổi. Ngoài ra, một số sản phẩm cách nhiệt dạng xịt cũng có thể dẫn đến bệnh hen suyễn nếu không kiểm soát đúng mức độ tiếp xúc.
Tuân thủ việc sử dụng đồ bảo hộ và khẩu trang chuyên dụng khi làm việc xung quanh các tòa nhà cũ, tránh hút thuốc lá là cách để giảm thiểu tác động của những chất gây hại cho phổi.
Nhân viên y tế
Theo GS Philip Harber - Trưởng bộ phận Y học môi trường và Nghề nghiệp thuộc Đại học California tại Los Angeles (Mỹ), có khoảng 8-12% nhân viên y tế nhạy cảm với cao su, phản ứng này có thể là nguyên nhân gây bệnh hen suyễn nghiêm trọng. Tình trạng dị ứng cao su này thậm chí có thể khiến họ phải bỏ nghề. Bên cạnh đó, bác sĩ, y tá và những người khác làm việc trong bệnh viện, văn phòng y tế hoặc viện dưỡng lão cũng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh phổi như lao, cúm và hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS).
Sử dụng găng tay tổng hợp không chứa cao su là một giải pháp thay thế.
Công nhân dệt may
Bệnh phổi nâu (Byssinosis) thường gặp ở những công nhân dệt may vải bọc, khăn tắm, tất, khăn trải giường và quần áo. Nguyên nhân do các hạt thải ra từ bông hoặc một số chất liệu vải khác sẽ tạo ra một lượng lớn bụi, gây tắc nghẽn luồng không khí.
Những công nhân dệt may thường được khuyến cáo sử dụng khẩu trang thường xuyên. Đồng thời, các xí nghiệp cũng cần cải thiện hệ thống thông gió trong môi trường làm việc để giảm thiểu lượng bụi do vải gây ra.
Nhân viên dọn vệ sinh
Từ lâu, các nhà khoa học hiểu rằng việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất trong sản phẩm tẩy rửa, khử trùng có thể khiến một số người phát triển bệnh hen suyễn hoặc làm triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng hơn. Nguyên nhân do các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong chất tẩy rửa có thể góp phần gây ra vấn đề hô hấp mãn tính, phản ứng dị ứng.
Nếu tính chất công việc buộc phải tiếp xúc với chất khử trùng, hãy đảm bảo rằng khu vực này được thông gió tốt, tránh dùng sản phẩm chứa một lượng hóa chất cao. Thay vào đó, người lao động có thể sử dụng bột baking soda hoặc giấm ăn để làm sạch.
Trường học
Theo GS Philip Harber, nấm mốc có thể là rủi ro ít ngờ tới cho những người làm việc tại trường học. Bởi chúng chính là nguyên nhân gây kích ứng và khiến bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, môi trường đông đúc của trường học cũng có thể trở thành nơi sinh sôi của các virus gây bệnh nhiễm trùng như cúm.
Để giữ cho không khí thông thoáng, các lớp học cần được trang bị hệ thống thông gió đầy đủ, bảo trì tốt. Đồng thời, học sinh và giáo viên nên che miệng khi ho, thường xuyên đeo khẩu trang và vệ sinh tay sạch sẽ để giảm sự lây lan của virus, vi khuẩn.
Bảo dưỡng ôtô
Những người trong ngành công nghiệp ôtô, đặc biệt là sửa chữa ôtô thường đối mặt với nguy cơ bệnh hen suyễn. Nguyên nhân là do các thành phần của sơn xịt, chẳng hạn như sản phẩm isocyanate và polyurethane, có thể gây kích ứng da, tạo dị ứng, gây tức ngực và khó thở nghiêm trọng.
Để giảm thiểu nguy cơ, người lao động trong ngành này cần mang đầy đủ khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ khi làm việc.
Nhân viên pha chế
So với hút thuốc chủ động, hút thuốc lá thụ động thậm chí còn gây nhiều ảnh hưởng xấu đến phổi hơn. Do đó, nhóm nghề nghiệp phục vụ đồ uống tại quán bar hoặc các quán cà phê không cấm người hút thuốc sẽ có nguy cơ mắc bệnh phổi cao, đặc biệt nếu họ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc trong nhiều năm.
Huyền My (Theo Health.com, Lung.org)