Hệ tiết niệu có liên kết chặt chẽ với phổi, da và ruột để duy trì sự cân bằng các chất và nước cho cơ thể. Tuy nhiên, hệ thống này dễ bị nhiễm trùng, tắc nghẽn và gặp một số vấn đề khác. Dưới đây là một số cách giúp duy trì sức khỏe đường tiết niệu:
Uống đủ nước
Nước khi vào cơ thể được lọc qua thận và sau đó các chất thải đi vào trong bàng quang cho đến khi đầy sẽ tạo cảm giác muốn đi tiểu. Hầu hết những người khoẻ mạnh đều uống đủ nước mỗi ngày. Khi không uống đủ nước, nước tiểu trong bàng quang có thể bị cô đặc dẫn đến có mùi nồng hoặc kích thích bàng quang và thôi thúc việc đi ngoài thường xuyên hơn. Nước tiểu cô đặc cũng có thể gây bỏng rát khi đi tiểu và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang, bệnh sỏi thận.
Tuy nhiên, uống quá nhiều nước sẽ gây phản tác dụng. Một cách để kiểm tra lượng nước trong cơ thể là để ý màu sắc của nước tiểu, nếu có màu vàng đậm thì cơ thể sẽ cần bổ sung thêm nước, còn màu nhạt hoặc trong thì nên duy trì lượng nước như bình thường. Những người dễ bị nhiễm trùng hoặc sỏi thận nên uống 10 đến 12 cốc nước mỗi ngày. Tuy nhiên nếu không chắc chắn hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Hạn chế muối
Ăn quá nhiều muối sẽ làm mất cân bằng giữa lượng muối, khoáng và nước trong thận. Chế độ ăn nhiều muối có liên quan đến việc tăng huyết áp, tình trạng này không được kiểm soát trong thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương thận. Nhiều người cho rằng sỏi canxi là kết quả của việc ăn quá nhiều canxi nhưng thực tế lại liên quan tới việc ăn quá mặn. Chú ý đến thành phần natri trên nhãn thực phẩm chế biến sẵn, giảm ăn súp và rau đóng hộp, xúc xích... có thể giúp giảm nguy cơ phát triển sỏi canxi.
Giảm lượng caffeine
Tiêu thụ đồ uống chứa nhiều caffein có thể gây kích thích bàng quang và làm tăng nhu cầu đi tiểu do chất này có tính lợi tiểu (kích thích cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu hơn). Đi tiểu nhiều khiến cơ thể có nguy cơ mất nước, làm tăng nguy cơ sỏi thận, nhiễm trùng bàng quang và các vấn đề khác. Phụ nữ bị viêm bàng quang kẽ cũng được cho là nên tránh tiêu thụ caffeine.
Đi tiểu trước và sau quan hệ tình dục
Vi khuẩn có thể di chuyển vào đường tiết niệu khi quan hệ tình dục, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục và vệ sinh sạch sẽ đã được chứng minh làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu liên quan tới hoạt động tình dục nhiều hơn nam giới vì đặc điểm niệu đạo ngắn hơn, khiến vi khuẩn dễ dàng đi lên đường tiết niệu. Mặc dù vậy, nam giới cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu và truyền mầm bệnh cho phụ nữ. Bẹn là nguồn chứa nhiều vi khuẩn nên nam giới cần vệ sinh vùng bẹn thường xuyên.
Hậu môn và trực tràng có rất nhiều vi khuẩn nên khi đi vệ sinh, nữ giới nên lau từ trước ra sau để vi khuẩn không có cơ hội tiếp xúc với âm đạo, phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
Không nhịn tiểu quá lâu
Bàng quang cấu thành từ cơ bắp, thường mở rộng khi chứa đầy nước tiểu và co lại khi rỗng. Việc nhịn tiểu quá lâu có thể làm căng bàng quang, tăng nguy cơ nhiễm trùng tái phát và nước tiểu di chuyển ngược lên thận.
Bảo Bảo (Theo Very Well Health)