Các triệu chứng nhiễm trùng tiểu (UTI) có thể không giống nhau tùy thuộc vào vị trí nhiễm trùng. Hầu hết các nhiễm trùng tiểu liên quan đến các cơ quan tiết niệu đường dưới như niệu đạo, bàng quang. Dưới đây là các triệu chứng nhiễm trùng tiểu phổ biến:
Đi tiểu liên tục và khẩn cấp
Cảm giác buồn tiểu mọi lúc là một triệu chứng UTI điển hình. Người bệnh cũng có thể cảm thấy như không thể nhịn được nhưng khi đi tiểu thì lượng nước tiểu lại rất ít. Vi trùng xâm nhập vào mô bàng quang và gây viêm, khiến bàng quang co bóp liên tục tạo nên áp lực và gửi tín hiệu tới não rằng phải làm rỗng bàng quang bằng cách đi tiểu. Nhưng đó không phải là quá trình bài tiết nước tiểu bình thường mà nguyên nhân do các mô bị viêm, bị kích thích và bị nhiễm trùng gây ra.
Nóng rát khi đi tiểu
Người bệnh nhiễm trùng tiểu cũng cảm thấy sự nóng rát khi đi tiểu. Viêm nhiễm ảnh hưởng đến tất cả các mô sợi, tạo ra cảm giác nóng rát trong niệu đạo. Bên cạnh đó, bàng quang co thắt tăng lên cũng có thể góp phần gây nên triệu chứng này.
Nước tiểu đục, có mùi hôi
Nước tiểu màu đục hoặc trắng đục kèm theo mùi hôi cũng có thể cảnh báo nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi khuẩn gây nhiễm trùng khiến protein và enzym hoà vào nước tiểu hoặc các tế bào bạch cầu do cơ thể tiết ra để chống lại nhiễm trùng trộn lẫn với nước tiểu làm thay đổi màu của nước tiểu, có phần đục hơn.
Cùng với đó, nước tiểu có mùi hôi, nồng hơn bình thường cũng có thể cảnh báo về nguy cơ mắc nhiễm trùng tiểu.
Nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ nhạt
Nước tiểu có thể đổi sang màu hồng hoặc đỏ nhạt khi bị nhiễm trùng tiểu và đó là dấu hiệu cho thấy có máu trong nước tiểu. Nguyên nhân của tình trạng này là do một số vi khuẩn bám vào thành bàng quang và gây ra các vi chấn thương rời rạc tại đây.
Theo Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ, Mỹ (OWH), đi tiểu ra máu không phải là một triệu chứng gặp ở tất cả những người bị UTI nhưng có xu hướng phổ biến hơn ở phụ nữ trẻ. Tuy nhiên, có máu trong nước tiểu cũng là dấu hiệu cảnh báo nhiều tình trạng bệnh, do đó, cần đi khám bệnh nếu nhận thấy cơ thể có triệu chứng này.
Đau vùng xương chậu
Khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang, cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch làm nhiệm vụ chống lại tác nhân lạ này. Điều này sẽ kích thích dây thần kinh tạo nên các cơn đau và gia tăng lên khung xương chậu, nơi chứa bàng quang của cơ thể. Cơn đau sẽ giảm khi tình trạng nhiễm trùng thuyên giảm hoặc người bệnh có thể sử dụng túi chườm nóng để bản thân cảm thấy dễ chịu hơn.
Một số nghiên cứu ước tính, phụ nữ có nguy cơ mắc UTI cao gấp 30 lần so với nam giới, do có niệu đạo ngắn lại nằm gần hậu môn. Sự khác biệt lớn về các triệu chứng nhiễm trùng tiểu giữa nam giới và phụ nữ là vị trí cơn đau. Ở phụ nữ có xu hướng đau ở xương chậu hoặc bụng dưới, trong khi nam giới có thể cảm thấy đau gần trực tràng, vùng bìu hoặc tinh hoàn.
Dù gặp các triệu chứng nặng hay nhẹ của UTI, cần thăm khám chuyên khoa và có phương pháp điều trị phù hợp từ bác sĩ để loại bỏ nhiễm trùng trước khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.
Bảo Bảo (Theo Health)