Viện Quốc gia về Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Mỹ (NIDDK) thống kê có tới 60% phụ nữ mắc bệnh nhiễm trùng tiểu (UTI) và 1/4 trong số đó bị tái phát sau khi chữa khỏi. Phụ nữ có nguy cơ mắc nhiễm trùng tiểu cao hơn nam giới do cấu tạo niệu đạo (ống dẫn nước tiểu chảy ra ngoài) ngắn hơn, nằm gần hậu môn khiến vi khuẩn dễ dàng di chuyển qua đó, xâm nhập bàng quang gây nhiễm trùng.
Kelly M. Kasper, bác sĩ phụ trách y tế tại đại học Indiana, Mỹ cho biết: "Hệ thống đường tiết niệu ở người thường có cơ chế ngăn chặn vi khuẩn một cách tự nhiên nhưng ở nữ giới, đôi khi cơ chế này bị tấn công gây ra tình trạng nhiễm trùng". Ông cho biết, nhiễm trùng xảy ra do vi khuẩn phát triển, sinh sôi gây ra các triệu chứng như tiểu đau, nóng rát, nước tiểu đổi màu hoặc có mùi, đau vùng chậu, mệt mỏi và đôi khi kèm theo hiện tượng sốt nếu tình trạng nhiễm trùng ở mức độ nặng.
Nhận biết các nguyên nhân để phòng tránh là biện pháp giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu ở phụ nữ hiệu quả.
Hoạt động tình dục
Nhiều phụ nữ bị nhiễm trùng tiểu sau khi quan hệ tình dục có thể là do vi khuẩn di chuyển từ ruột hoặc khoang âm đạo vào niệu đạo. Để giảm nguy cơ mắc bệnh, nữ giới nên đi tiểu trong vòng 30 phút trước và sau khi sinh hoạt tình dục. Việc vệ sinh sau khi "gần gũi" cũng là một biện pháp tốt nhưng cần tránh sử dụng sản phẩm vệ sinh có chất tẩy mạnh như xà phòng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng biện pháp tránh thai có tính diệt tinh trùng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc UTI.
Thời kỳ mãn kinh
Thời kỳ mãn kinh, buồng trứng sản xuất ít estrogen hơn kéo theo sự thay đổi nồng độ pH trong âm đạo. Điều này gây mất sự cân bằng của vi khuẩn tốt và nấm men trong âm đạo làm tăng khả năng nhiễm trùng. Một số phụ nữ sau mãn kinh gặp hiện tượng teo âm đạo (hay còn gọi là thành âm đạo mỏng) cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu do xuất hiện các vết cắt nhỏ gần niệu đạo khiến vi khuẩn dễ xâm nhập hơn.
Táo bón
Táo bón cũng được coi là một nguyên nhân gây UTI mà chị em cần lưu ý. Tình trạng táo bón khiến việc làm rỗng bàng quang bị gián đoạn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra nhiễm trùng. Bên cạnh đó, tiêu chảy cũng có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu do vi khuẩn từ phân dễ dàng xâm nhập vào âm đạo và niệu đạo.
Chú ý vệ sinh khi đi tiểu như lau từ trước ra sau cũng là cách ngăn chặn vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiểu.
Các bệnh lý
Khi lượng đường trong máu tăng cao, thận sẽ lọc và loại bỏ lượng đường dư thừa bỏ qua nước tiểu. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và dẫn đến nhiễm trùng. Hơn nữa, người bệnh tiểu đường thường có hệ miễn dịch kém gây khó khăn trong việc chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Sỏi thận cũng có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu và ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng. Ngoài ra, việc chậm trễ điều trị UTI cũng có nguy cơ dẫn đến tổn thương thận nên hãy thăm khám và điều trị sớm nếu bản thân có bất kỳ dấu hiệu UTI nào.
Thói quen nhịn tiểu
Thói quen nhịn tiểu (thường là từ 6 giờ hoặc hơn) có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu do vi khuẩn phát triển trong bàng quang. Do đó, bất cứ khi nào mắc tiểu, hãy đi ngay nếu có thể.
Mất nước
Theo NIDDK, uống nhiều nước không chỉ làm dịu cơn khát mà còn ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng tiểu. Việc đi tiểu thường xuyên sẽ giúp cơ thể đào thải những vi khuẩn có nguy cơ gây nhiễm trùng trong đường tiết niệu. Khi cơ thể không được bổ sung lượng nước cần thiết sẽ rơi vào trạng thái mất nước, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Do đó, hãy bổ sung 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
Dùng băng vệ sinh quá lâu
Băng vệ sinh là nơi vi khuẩn có thể phát triển rất dễ dàng. Để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu trong chu kỳ kinh nguyệt, chị em hãy thay băng vệ sinh ít nhất 4 giờ một lần, tùy thuộc vào lượng kinh nguyệt của mỗi người.
Bảo Bảo (Theo Prevention)