Nhiễm trùng đường hô hấp (RTI) là nhiễm trùng các bộ phận của cơ thể liên quan đến hô hấp, chẳng hạn như xoang, cổ họng, đường thở hoặc phổi. Các triệu chứng của bệnh gồm: ho hoặc ho có đờm, hắt xì, nghẹt mũi, đau họng, nhức đầu, đau cơ, khó thở, tức ngực và thở khò khè.
Nhiễm trùng đường hô hấp có hai dạng trên và dưới. Nhiễm trùng đường hô hấp trên ảnh hưởng đến cổ họng, xoang và gây ra tình trạng cảm lạnh, nhiễm trùng xoang, viêm họng, viêm amidan. Trong khi đó, nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường ảnh hưởng đến đường thở và phổi. Đó là các căn bệnh có tính chất kéo dài và nghiêm trọng như viêm phế quản và viêm phổi. Ngoài ra, tình trạng cúm cũng có thể là nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc dưới.
Nhiễm trùng đường hô hấp tái phát thường gặp ở người lớn do những yếu tố trong môi trường và lối sống. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây tái phát nhiễm trùng hô hấp.
Tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh
Virus gây bệnh là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng tái phát nhiễm trùng đường hô hấp. Thông thường, người bệnh sẽ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên khi tiếp xúc hoặc chạm vào người bị bệnh. Lúc này, virus sẽ từ tay xâm nhập và lây nhiễm vào cơ thể. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC), các tác nhân gây bệnh bao gồm virus mũi, virus hợp bào hô hấp, virus cúm, virus á cúm, virus metapneum ở người, bệnh sởi, quai bị, adenovirus và coronavirus.
Ngoài ra, cơ thể cũng có thể tái phát nhiễm trùng đường hô hấp nếu tiếp xúc với chất gây kích ứng phổi như phấn hoa, do thời tiết, ô nhiễm không khí và các chất kích thích trong nhà như sản phẩm tẩy rửa có chứa một số hóa chất, mạt bụi hoặc khói thuốc lá.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ đối với tất cả các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và góp phần làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Theo các nhà khoa học, thói quen hút thuốc lá có thể gây hại và phá hủy các lông mao. Khi lớp phòng thủ này trở nên kém hiệu quả hơn trong việc giữ cho phổi thông thoáng, người hút thuốc có thể bị ho nếu cố gắng loại bỏ chất nhầy ra khỏi phổi.
Thời tiết lạnh
Không khí quá khô khiến khoang mũi bị kích ứng và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, cũng như làm trầm trọng thêm một loạt các vấn đề sức khỏe khác.
Một nghiên cứu cho thấy số ca tử vong do cúm và viêm phổi tăng đột biến sau thời tiết lạnh giá. Theo các nhà khoa học, độ ẩm cực thấp bên trong nhà sẽ tạo ra nơi trú ẩn lý tưởng của virus và vi khuẩn, do đó khiến cơ thể dễ bị ốm hơn. Ngoài ra, không khí khô cũng ảnh hưởng đến khả năng chống lại các loại virus bằng cách làm suy yếu và giảm chất nhầy trong mũi.
Thiếu ngủ
Tình trạng thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Theo các nghiên cứu cho thấy những người ngủ không đủ chất lượng hoặc ngủ không đủ giấc có nhiều khả năng bị bệnh hơn sau khi tiếp xúc với virus, chẳng hạn như virus cảm lạnh thông thường. Đặc biệt hơn, thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi và gây tái phát các bệnh nhiễm trùng ở đường hô hấp.
Ngoài ra, đối với bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính, thiếu ngủ có thể làm trầm trọng thêm các dấu hiệu và triệu chứng.
Bệnh phổi
Các tình trạng như giãn phế quản (giãn đường hô hấp) là nguyên nhân quan trọng gây nhiễm trùng lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, tình trạng này có thể bị người bệnh phớt lờ cho đến khi một số bệnh nhiễm trùng xảy ra. Các bệnh khác có thể dẫn đến nhiễm trùng lặp đi lặp lại bao gồm bệnh nhiễm nấm aspergillosis phế quản phổi dị ứng và viêm mạch phổi.
Hen suyễn
Hen suyễn là một trong những bệnh phổi phổ biến và có nguy cơ tái phát cao. Hen suyễn có thể ảnh hưởng đến khoảng 334 triệu người trên khắp thế giới. Nếu từng mắc bệnh hen suyễn, người bệnh có thể tăng nguy cơ bị nhiễm trùng hô hấp. Bởi tình trạng này có thể làm cho các triệu chứng hen suyễn thêm tồi tệ và dẫn đến đường thở bị viêm.
Trào ngược axit
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể dẫn đến ho mạn tính và nhiễm trùng đường hô hấp lặp đi lặp lại. Nguyên nhân do các bất thường khác liên quan đến nhiễm trùng có thể bao gồm túi thừa Zenker (một túi thừa ở khu vực nơi hạ họng nối với thực quản) và co thắt tâm vị. Theo các chuyên gia y tế, tình trạng này thường dễ bị bỏ qua như một nguyên nhân tiềm ẩn.
Các vấn đề về cấu trúc
Ở đường hô hấp trên, những bất thường như polyp mũi hoặc lệch vách ngăn có thể dẫn đến nhiễm trùng mũi/xoang mạn tính. Ngoài ra, các bất thường của phế quản (đường dẫn khí rời khỏi khí quản và đi vào phổi), chẳng hạn như thiểu sản bẩm sinh, cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp dưới lặp đi lặp lại.
Suy giảm miễn dịch thứ phát
Suy giảm miễn dịch thứ phát là nguyên nhân tương đối phổ biến gây nhiễm trùng đường hô hấp tái phát ở người lớn. Có nhiều điều kiện có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch gồm: HIV, virus Epstein-Barr (EBV) và cytomegalovirus (CMV) hoặc các loại thuốc như hóa trị, thuốc ức chế miễn dịch; đặc biệt là ung thư liên quan đến máu như bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính và ung thư hạch không Hodgkin.
Bên cạnh đó, người có khiếm khuyết di truyền cũng có khả năng bị suy yếu hệ miễn dịch. Tuy nhiên, tình trạng này ít phổ biến hơn nhiều so với sự thiếu hụt miễn dịch thứ phát. Những người bị suy giảm miễn dịch nguyên phát thường bị viêm phổi, viêm phế quản và nhiễm trùng xoang.
Huyền My (Theo WebMD, Verywell Health)