Thống kê tại Việt Nam cho thấy, một đứa trẻ có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới nhiều lần một năm.
GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Giám đốc chuyên môn, cố vấn cao cấp khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho biết, viêm phổi là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bệnh nhân nhập viện và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới là các bệnh lý nhiễm trùng ở đường hô hấp dưới thanh quản, trong đó viêm phổi và viêm phế quản là hai bệnh lý thường gặp nhất. Bệnh lây truyền qua những giọt bắn chứa vi khuẩn, virus khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc bám trên các bề mặt tiếp xúc.
Giáo sư Châu cho biết, triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp dưới khác nhau tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng. Trường hợp nhiễm trùng nhẹ, các dấu hiệu có thể giống với bệnh cảm lạnh thông thường như: sốt nhẹ; ho khan; đau họng; đau đầu, chóng mặt.
Trong các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở mức độ nặng, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng gồm: ho dữ dội, ho có đờm; sốt cao; nhịp tim nhanh; thở khò khè hoặc khó thở; cảm thấy nặng hoặc đau ở ngực. Một số trường hợp thậm chí người bệnh có thể có suy hô hấp hoặc shock nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới
Tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường do virus (như virus á cúm, virus cúm A, B...) hoặc các loại vi khuẩn (như phế cầu khuẩn) hoặc do nấm.
Ngoài ra, theo giáo sư Châu, nhiễm trùng đường hô hấp dưới hay xuất hiện ở người sống trong môi trường có các chất độc hại như: khói thuốc lá, khói bụi do ô nhiễm môi trường, hóa chất...
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường gặp vào thời điểm giao mùa thu - đông, xuất hiện sau các đợt cảm cúm hoặc cảm lạnh.
Giáo sư Châu nhận định, bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới nhưng bệnh có nguy cơ cao hơn ở trẻ em và người lớn tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 65 tuổi.
Bên cạnh đó, người nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới còn là người có thói quen hút thuốc lá; phụ nữ mang thai; người mắc các bệnh lý mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh tim mạch, tiểu đường, các bệnh về gan và thận; người có hệ miễn dịch suy giảm do mắc các bệnh ung thư, hoặc vừa trải qua phẫu thuật điều trị, hóa trị liệu cao.
Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường gặp
Theo giáo sư Châu, các hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường gặp nhất là viêm phế quản cấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản và lao phổi.
Viêm phế quản cấp là hiện tượng nhiễm trùng ở phế quản. Đây là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính, thường diễn tiến lành tính, không để lại di chứng.
Viêm phế quản cấp thường xuất hiện sau đợt cảm cúm. Người bệnh có những triệu chứng đặc trưng như sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau nhức cơ thể... Cơn ho có thể tăng dần theo thời gian, ho có đờm hoặc không. Một số trường hợp khác, người bệnh khó thở và cảm giác đau vùng ngực.
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng phổi do vi khuẩn, virus hoặc nấm, ký sinh trùng. Bệnh dễ xảy ra ở những người có các bệnh lý mạn tính khác. Dấu hiệu của bệnh khác nhau tùy vào thể trạng và loại tác nhân gây bệnh.
Giáo sư Châu cảnh báo, viêm phổi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời khi có các triệu chứng như sốt cao trên 38,5 độ C, ớn lạnh, đổ mồ hôi, mệt mỏi kéo dài không cải thiện...
Viêm tiểu phế quản là bệnh nhiễm trùng phổi thường gặp ở trẻ nhỏ. Thống kê tại Việt Nam cho thấy, bệnh chiếm khoảng 40-50% nguyên nhân trẻ em nhập viện điều trị tại khoa hô hấp.
Giáo sư Châu lưu ý, các triệu chứng ban đầu của bệnh tương tự như cảm lạnh thông thường, sau đó trẻ có thể ho, thở khò khè, thậm chí khó thở. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, trẻ có thể gặp nguy hiểm bởi các biến chứng như rối loạn chức năng hô hấp, suy hô hấp cấp, tràn khí màng phổi, xẹp phổi, thậm chí đe dọa tính mạng.
Lao phổi là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây lan trong cộng đồng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ đờm. Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp và di chuyển đến phổi cùng các bộ phận khác trong cơ thể và gây bệnh lao tại đó.
Hầu hết người bệnh thường chủ quan do triệu chứng ban đầu của lao phổi tương tự với bệnh ho thông thường. Tuy nhiên, khi bệnh kéo dài, không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng.
Thúy Nguyễn