Thoái hóa khớp là bệnh mạn tính đặc trưng bởi các tổn thương sụn và các mô xung quanh khớp, gây đau nhức, đi lại khó khăn... Về lâu dài, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như biến dạng - lệch trục khớp, teo cơ, hạn chế vận động, tàn phế. Khi đó, người bệnh buộc phải thay khớp để khôi phục khả năng vận động.
ThS.BS Đồng Thị Thủy Quỳnh, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết không thể điều trị khỏi hoàn toàn thoái hóa khớp. Người bệnh chỉ có thể kiểm soát triệu chứng, làm chậm tốc độ phát triển của bệnh bằng cách tuân thủ chỉ định của bác sĩ và thực hiện lối sống lành mạnh. Trong đó tập luyện các môn thể thao phù hợp rất quan trọng.
Tập thể thao mang lại nhiều lợi ích như giảm các cơn đau dai dẳng, duy trì tính linh hoạt và phạm vi vận động của khớp gối, tăng cường sức khỏe cơ bắp xung quanh. Vận động còn giúp giảm cân, từ đó giảm áp lực tác động lên các khớp, giảm đau.
Theo bác sĩ Quỳnh, người bệnh thoái hóa khớp nên chơi những môn thể thao không làm tăng áp lực đè nặng lên khớp dưới đây.
Bơi lội hoặc tập thể dục dưới nước: Khi cơ thể ở trong nước, hầu như khớp không phải chịu áp lực của trọng lượng, làm dịu các cơn đau. Sức ép của nước còn tạo thành lực massage giúp các khớp xương thoải mái và dễ chịu hơn.
Đi bộ: Hoạt động này tăng cường sản xuất dịch khớp để nuôi dưỡng và bảo vệ khớp đang tổn thương, làm chậm quá trình thoái hóa, duy trì chức năng và tính linh hoạt của khớp. Đi bộ còn tăng cường sức mạnh cơ bắp chân, lưu thông máu, cải thiện khả năng giữ thăng bằng...
Tuy nhiên, người bệnh nên đi bộ đúng cách để đạt được hiệu quả tối đa đồng thời phòng ngừa rủi ro ảnh hưởng đến xương khớp trong quá trình điều trị. Nên đi bộ khoảng 15 phút mỗi đợt hoặc dừng lại ngay khi xuất hiện các cơn đau.
Đạp xe: Bài tập tăng cường vận động cho khớp háng, đầu gối, cổ chân, kích thích quá trình trao đổi chất và sản sinh dịch bôi trơn ở khớp. Người bệnh điều chỉnh sao cho yên ngồi ngang với xương hông, bàn đạp và chân ở tư thế vuông góc 12h và 6h. Đạp xe đều đặn mỗi ngày, trong khoảng 15-30 phút.
Yoga: Các động tác yoga không chỉ tác động đến khớp mà còn rèn luyện các mô cơ xung quanh, từ đó giảm áp lực đè nặng lên khớp, cải thiện khả năng vận động và duy trì độ linh hoạt của khớp. Tuy nhiên, người bệnh nên chú ý thực hiện các động tác yoga đúng tư thế để tránh chấn thương.
Theo bác sĩ Quỳnh, để đạt hiệu quả tập luyện tối đa, ngăn ngừa chấn thương, người bệnh nên lưu ý các điều sau:
Khởi động bằng các động tác giãn cơ nhẹ trong khoảng 5-10 phút trước khi bắt đầu bài tập chính. Khi đó các cơ bắp nóng lên và thích nghi với cường độ hoạt động đang tăng dần lên.
Thư giãn khớp sau khi tập luyện trong khoảng 5-10 phút. Người bệnh nên massage cơ khớp bằng các động tác thả lỏng, giãn cơ nhẹ nhàng để tăng cường lưu thông máu đến cơ bắp, giảm cơn đau do chấn thương (nếu có) trong lúc tập.
Tập luyện ở cường độ vừa phải và ngừng lại khi cảm thấy đau. Vận động quá sức có thể dẫn đến chấn thương và thúc đẩy thoái hóa khớp phát triển. Đau mỏi sau khi tập thể dục là bình thường, tuy nhiên, người bệnh cần đến gặp bác sĩ nếu mệt mỏi kéo dài hơn một giờ sau khi tập luyện, khớp sưng nhiều hơn, giảm phạm vi hoạt động của khớp...
Không chơi các môn thể thao cường độ cao, gây áp lực lên khớp như chạy bộ, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ, cử tạ...
Nên tập luyện trên địa hình bằng phẳng, mang giày đế thấp và có độ bám tốt, sử dụng dụng cụ bảo hộ nếu cần thiết.
Phi Hồng