Một số loại thảo mộc có tác dụng long đờm cũng hỗ trợ loại bỏ chất nhầy gây tắc nghẽn, từ đó giúp thông thoáng đường thở. Các loại thảo mộc kháng khuẩn có thể hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ bản. Dưới đây là một số loại trà có thể mang tới lợi ích.
Trà xanh
Nghiên cứu năm 2018 thực hiện trên 1.000 người Hàn Quốc đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng thuộc Viện Oxford Mỹ, cho thấy những người uống ít nhất hai cốc trà xanh mỗi ngày có chức năng phổi tốt hơn.
Trong trà xanh có chứa nhiều chất chống oxy hóa có thể giảm viêm nhiễm tại phổi. Các hợp chất này cũng giúp bảo vệ mô phổi khỏi các tác hại từ thói quen hút thuốc lá.
Trà xạ hương (húng tây)
Cỏ xạ hương (còn gọi là húng tây) là một loại thảo mộc có mùi thơm được sử dụng trong nấu ăn và làm thảo dược. Y học cổ truyền thường sử dụng lá và hoa của loại cỏ này để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Cỏ xạ hương chứa thymol, một loại kháng sinh mạnh cùng với polymethoxyflavone và terpen có đặc tính chống viêm và giảm ho.
Trước đây, trà cỏ xạ hương được dùng như một loại dược liệu có tác dụng long đờm, kháng khuẩn cho người mắc chứng tắc nghẽn phế quản. Loại trà này cũng được cho là có tác dụng điều trị nghẹt mũi do hen suyễn và ho gà. Tuy nhiên, cần lưu ý không sử dụng trà xạ hương cho phụ nữ mang thai.
Trà táo gai
Táo gai có thể giúp phổi không bị tắc nghẽn chất nhầy nhờ hoạt chất flavonoid và procyanidin, có liên quan đến việc tăng cường co bóp tim và giảm rối loạn nhịp tim. Nhịp tim nhanh giúp làm giảm tích tụ chất lỏng trong phổi, có lợi cho người bị bệnh hô hấp. Tuy nhiên, không kết hợp sử dụng trà táo gai với các loại thuốc điều trị bệnh tim hoặc huyết áp khác.
Trà thảo mộc hương
Thảo mộc hương (tên y học là Elecampane) là một loài thực vật truyền thống, có hoa màu vàng, nguồn gốc từ Địa Trung Hải. Từ xa xưa, loại cây này được nhiều người sử dụng thân và rễ để điều trị ho và viêm phế quản. Các hoạt chất quan trọng trong thảo mộc này bao gồm chất nhầy, tinh dầu và long não elecampane, có tác dụng kháng sinh và long đờm. Thảo mộc hương có tác dụng với người bị viêm phế quản quá mức, chẳng hạn như viêm phế quản, hen suyễn hoặc khí phế thũng. Tinh dầu trong loại thảo dược này giúp kích thích ho để tống chất nhầy, đờm ra ngoài, làm sạch phổi. Những người có tiền sử dị ứng với các loại cây họ Aster không sử dụng thảo mộc hương.
Chất kích thích thông thường và vi khuẩn có thể gây tắc nghẽn phổi. Nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm phế quản gây viêm, tăng tiết đờm và chất nhầy. Dị ứng và ô nhiễm không khí cũng khiến ống phế quản tăng sản xuất chất nhầy. Mặt khác, huyết áp cao hoặc các vấn đề về tim cũng có thể ảnh hưởng đến phổi.
Nếu phổi bị tắc nghẽn thì có thể gây thở khò khè, tức ngực. Những người gặp tình trạng này cần đi khám sớm trước khi bắt đầu sử dụng thảo dược điều trị để được chẩn đoán chính xác. Mỗi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về liều lượng, cách dùng loại trà thảo dược làm sạch phổi.
Bảo Bảo (Theo Livestrong)